woensdag 7 april 2010

Tri Ngã

Tri Ngã Pháp Cú luận
(Bài làm số 14)

I. Mở đề:


Chào các bạn,

Sống ở đời có ai làm người trọn vẹn không? - Trời mưa họ cũng trách,
Trời nắng cũng phiền. Cã ông Trời còn chưa vừa lòng người. Người mập thì nói là mập ù, người ốm thì nói ốm nhôm. Làm như rùa, ăn như heo.v.v. Còn nửa người nói ít thì cho là hiểm, nói nhiều thì khinh lắm lời, nói vừa vừa cũng trách. Thị phi là thị phi. Ta càng tránh, thì càng khổ đau. Tốt hơn tự mình kiểm soát lấy mình.

II. Nhập đề:

Đức Khổng Tử thường khuyên các đệ tử “Làm người rất khó, muốn nói lời ý mình muốn nói, phải uống lưỡi ba lần”. Trong dân gian tục ngữ ca dao dạy làm người thì nhiều lắm. “khi thương trái ấu cũng tròn, khi ghét trái bồ hòn cũng méo”.v.v.

Những chân lý Thánh Nhân, Chuyện đạo/đời dân gian, ta lấy làm dựa đề cho bài luận thì có lợi ích cho chúng ta nhiều lắm. Thứ nhất là làm đúng, nói đúng chân lý, thứ hai ta còn phải dùng thời gian vào việc khác. Chớ Viết chân lý mà không học chân lý thì còn có tệ nào bằng phải không các bạn. Về Thị phi Trong Cổ học tinh hoa có câu chuyện này.

Yêu Nên Tốt, Ghét Nên Xấu

Trước, vua nước Vệ rất yêu Di Tử Hà. Cái phép nước Vệ, ai đi trộm xe của vua, thì phải tội chặt chân. Mẹ Di Tử Hà đau nặng. Đêm khuya có người đến gọi, Di Tử Hà vội vàng lấy xe vua ra đi. Vua nghe thấy, khen rằng: "Có hiếu thật! Vì hết lòng với mẹ, mà quên cả tội chặt chân."

Lại một hôm, Di Tử Hà, theo vua đi chơi ở ngoài vườn, đang ăn quả đào thấy ngọt còn một nửa, đưa cho Vua ăn. Vua nói:" Yêu ta thật! Của đang ngon miệng mà biết để nhường ta."

Về sau, vua không có lòng yêu Di Tử Hà như trước nữa. Một hôm phạm lỗi, vua giận nói rằng: "Di Tử Hà trước dám thiện tiện lấy xe của ta đi. Lại một bận dám cho ta ăn quả đào thừa. Thực mang tôi với ta đã lâu ngày." Nói xong bắt đem trị tội.

Ôi! Di Tử Hà ăn ở với vua trước sau cũng như vậy, thế mà trước vua khen, sau vua bắt tội, là chỗ tại khi yêu khi ghét khác nhau mà thôi. Lúc được vua yêu, chính đáng tội thì lại hóa công thần; lúc phải vua ghét, chính không đáng tội thì lại hóa ra sơ cho nên người muốn can ngăn, đàm luận với vua điều gì, thì trước phải xem xét cái lòng vua yêu hay vua ghét tính thế nào rồi hãy nói.

Lời Bàn:

Sự yêu, ghét thường làm cho người ta mờ đi không rõ hẳn được cái giá trị của người được yêu hay bị ghét ra thế nào.

Không nói gì yêu người này, ghét người nọ, cũng chỉ là một người ấy, lúc yêu cho ra thế này, lúc ghét cho ra thế kia.

Cái thói thường: yêu thì nên tốt, ghét thì nên xấu, khen chanh thì chanh ngọt, chê hồng thì hồng chua. Trong bụng đã thế, thì cư xử chắc cũng theo như thế, lúc yêu hậu bao nhiêu, thì đến lúc ghét lại bạc bấy nhiêu, yêu nhau cau sáu bổ ba, ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười.

Lại chẳng những yêu ghét riêng một người ấy, thường yêu ghét đến cả những sự hay những người có can thiệp đến người ấy, yêu nhau yêu cả tông chi, ghét nhau ghét cả đường đi lối về. Sự yêu, ghét làm cho ta thiên và nhẩm như thế, cho nên ta muốn cho công bình, khi yêu khi ghét phải nên rõ cái giá trị của người được yêu hay bị ghét, biết chỗ phải cũng phải biết chỗ trái, biết chỗ trái cũng phải biết chỗ phải cho người ta mới được.

Phật kệ:

Đừng nhìn thấy lỗi-lầm người khác,
Hoặc lỡ làm, hoặc sót chẳng làm.
Hãy nhìn thấy tâm mình trước đã:
Trót làm, lỡ sót, cả ngay gian.
(Kệ số 050.)

Tóm lại muốn tránh thị phi thì đừng nói, nghĩ chuyện thị phi, làm người thì ít nhiều ai cũng có khuyết điểm. Ta chấp nhận khuyết điểm (Xấu, lùn, ngộng, lé.v.v.) thì ta sẽ không chấp. Biết đủ là lưỡng toàn vậy.

III. Chánh đề:

Nhưng làm người có ai nói là tôi không chấp không các bạn, ít nhiều thì cũng chấp, chấp đúng thì đở cho thân, còn chấp sai thì khổ dài dài. Vì thế chúng ta xem lại sự diển tả về “Chấp” của tác giả Trần đình Hoành dưới đây.

Chúng ta đã nói về “vô chấp” rất thường xuyên, nhưng ít khi nói đến “chấp”. Có lẽ là ta phải hiểu chấp là gì, chấp cái gì, và chấp thế nào, trước khi ta thực sự hiểu được “vô chấp”.

Chấp là vướng mắc, bám víu, níu kéo. Tiếng Anh là “to attach” (danh từ: attachment, dính vào) hay “to grasp” (nắm giữ, bám víu).

Nhưng vướng mắc, bám víu cái gì?

A! Ta đang đi vào cốt tủy của Phật pháp với câu hỏi này. Vướng mắc bám víu vào bất kỳ điều gì trong vũ trụ vật thể bên ngoài cũng như vũ trụ tâm l‎‎ý bên trong đầu óc ta cũng đều là “chấp.” Mở quyển tự điển vài trăm ngàn từ, mở bất kì trang nào, chỉ ngón tay vào bất kì chữ nào—trời, hoa, học, thánh…—thì cái điều mà chữ đó nói lên cũng đều là điều có thể làm cho ta “chấp.”

Cho nên, trong truyền thống triết lý Phật gia thì “Vô chấp là không chấp vào bất kì điều gì cả”.

(Nếu dùng từ vô chấp cho truyền thống Thiên chúa giáo, thì ta sẽ phải thay đổi một tí: “Con người phải ‘chấp’ vào Chúa và chỉ được chấp vào Chúa mà thôi, để ‘không chấp’ vào bất kì một điều gì khác trên thế gian.”)

Nhưng “chấp, vướng mắc, bám víu ?” thực ra có nghĩa là gì trong đời sống thực tế ? Tôi ham học Anh văn, vậy tôi có chấp Anh văn không? Tôi ham làm việc, vậy tôi có chấp làm việc không? Tôi ham tụng Nam mô bổn sư Thích ca Mâu ni Phật, vậy tôi có chấp vào Phật Thích ca không?

Đây là một câu hỏi rất thực tế. Ở đời để làm việc gì thành thạo ta đều phải dành rất nhiều thời gian và công lao cho nó, đôi khi ăn ngủ ngày đêm với nó, để có thể thành thạo. Sống như vậy với việc đó không phải là chấp nó sao?

“Thế nào là chấp?” là một câu hỏi rất khó trả lời chính xác bằng từ ngữ, vì nó là vấn đề chủ quan, trong tâm của mỗi người, không thể nhìn hành động bên ngoài để quyết đoán. Hơn nữa, “chấp” lại có nhiều tầng triết lý‎–vô chấp ở cấp thấp vẫn có thể là chấp của cấp cao, cũng như văn viết thế này là tốt cho lớp 10 nhưng không đủ tốt cho năm thứ tư đại học.

Hôm nay ta chỉ đi vào một vài khái niệm chính của chấp.

“Chấp” có thể nói là dính mắc vào một điều gì đó xa hơn một một chuẩn mực đúng.” Đây lại là một câu rất ba phải, vì từ “đúng” cũng rất là tương đối.

Thế nào là đúng? Đúng cho anh nhưng sai với tôi thì sao? Vậy thì ta nên phiên phiến vấn đề từ ngữ một tí. Tại đây ta cứ tạm nói là “nếu bạn thực tình cho là đúng, thì nó là đúng”.

Bạn say mê công việc, nhưng đến mức bỏ bê vợ con không ngó ngàng gì tới, đó là chấp vào công việc. Chuẩn mức đúng là phải có một phần thời gian cho vợ con.

Say mê công việc cảnh sát bắt cướp là tốt, nhưng đến mức xem tội phạm như kẻ thù phải tận diệt, thì đó là chấp, vì tội phạm chỉ là anh em của bạn đi lạc dường chứ không là kẻ thù của bạn.

Cung kính trước tượng Phật để học khiêm tốn và kính trọng người đắc đạo là tốt, nhưng đến mức coi là tượng Phật giúp bạn giác ngộ thì là chấp, vì chỉ có bạn giúp bạn giác ngộ được.

Phạt học trò để kỹ luật và giáo dục là đúng, nhưng với tâm sân hận học trò là chấp, vì bạn phải yêu học trò.

Dạy con điều mình nghỉ là tốt thì đúng, nhưng bắt con làm mọi sự theo ý‎ mình là chấp vào ý muốn của mình, vì yêu con là giúp con phát triển con đường riêng của nó.

Chúng ta người nào cũng có vô số chấp mà ta không để ý đến. Những điều này chính là tù ngục làm cho con tim và trí tuệ của ta không thoát ra được đến khung trời tự do. Nói tàm tạm, đây là các điều chúng ta thường chấp nhất:

1. Thành kiến: Da đen thì xấu, công giáo không yêu nước, Phật giáo là ngu, Mỹ không tin được, Trung quốc là áp bức, người dân tộc miền cao là bán khai, chàng A xạo động trời, con gái đời nay rất khó tin, tôi không giao thiệp với người đồng tính luyến ái, hắn làm thế là người vô đạo đức tôi không muốn liên hệ với hắn, tôi không chơi với người có tư tưởng phản động, tôi không liên hệ với người có mùi cộng sản…

Nói chúng là các “công thức định giá” về cuộc đời và con người mà ta đã học được trong đầu bao nhiêu nay là những điều ta thường chấp vào nhất.

Đa số công thức định giá chỉ thuần túy là thành kiến ngu dốt. Thỉnh thoảng có vài công thức định giá giúp ta được một tí. Ví dụ: “Người Mỹ thì thực dụng và có máu tiếu lâm.” Công thức này cũng tốt để ta học giao giếp với người Mỹ, nhưng tin phiên phiến thôi, lúc thực hành thì phải nhận xét từng người. Cứ “chấp” và công thức thì có ngày bán nhà.

2. Những cái tôi đã biết đã có kinh nghiệm là đúng nhất, các điều khác thì còn tùy.

Đây là thành kiến về cái mình biết. Thực ra điều này cũng đúng, là điều gì chính ta trải nghiệm ta mới có thể tin là đúng. Nhưng tin phiên phiến thôi, vì người khác có thể có kinh nghiệm đúng nhưng lại khác với ta. Đừng cho rằng cái ta biết là sự thật cho tất cả mọi người.

3. Những cái tôi có là nhất.

Như: Văn hóa Việt nam phong phú nhất thế giới, vợ tôi thông minh nhất nước, tôi có bằng tiến sĩ, tôi kinh nghiệm 30 năm, đạo tôi theo mới là con đường chân lý‎, đảng tôi theo mới là đảng yêu nước các đảng khác thì không, thầy tôi hay hơn tất cả mọi thầy khác…

Yêu mọi điều, nhưng không cần thiết phải thổi phồng điều gì cả.

4. Những hy vọng và niềm tin của tôi là nhất.

Như: Chỉ có chủ nghĩa ABC này mới đưa đất nước đến cường thịnh, chỉ có Chúa mới cứu tôi và dân tộc tôi…

Lòng tin rất tốt cho mọi người và nên tự hào về niền tin của bạn. Nhưng nên có “tâm bình đẳng” đối với các niềm tin của người khác.

5. Không bỏ được điều mình có, điều mình muốn.

Như: Không có em thì anh sống làm gì? Không lấy nhau được kiếp này thì ta cùng chết và hẹn đến kiếp sau…

Các chuyện Romeo và Juliette kiểu này làm triệu người rơi lệ, và khi còn trẻ ai cũng yêu kiểu đó. Rất lãng mạn và đẹp.

Nhưng thực ra đó là đại chấp vào tình yêu, và bị cảm xúc chi phối quá mạnh. Chẳng có lý do luận lý, cảm tính, hay tâm linh nào để “tự tử vì nàng cả” (dù là mình đang buồn “muốn chết”).

6. Chấp vào “con đường của mình, dù đó là “đạo” tôn giáo, hay con đường chính trị, hay con đường giáo dục.

Con đường nào thì cũng chỉ như công thức nấu ăn. Những người nấu ăn giỏi đều biết công thức viết ra không phải để theo, mà chỉ để cho khái niệm tổng quát. Người nấu ăn giỏi luôn luôn nấu khác công thức đã cho.

7. Chấp vào Phật.

Kính Phật và học theo đường Phật thì tốt. Nhưng tin Phật sẽ độ mình thì sai, Phật chỉ trợ lực một tí thôi, mình phải tự độ mình. Và đến một lúc nào đó mình phải vươn lên trên cả cái dạy của Phật để mà tự mình khai phóng con đường của mình.

(Tuy nhiên, giáo lý của Thiên chúa giáo là, nhắc lại: “Phải chấp (bám víu) vào Chúa, và chỉ chấp vào Chúa, để không chấp vào ai khác và vào bất kì điều gì khác trên đời.”).

Tóm lại, điều gì ở đời cũng có thể làm cho ta chấp được cả. Nhưng phân tích rốt ráo thì ta chấp vào điều nào đó chỉ vì điều đó là “của tôi”–‎ ý muốn của tôi, tự ái của tôi, danh dự của tôi, tăm tiếng của tôi, tài sản của tôi, thành kiến của tôi, kinh nghiệm của tôi, đạo của tôi, Phật của tôi…

Vì thế, Phật gia dạy vô ngã, không tôi. Nếu tôi không vĩnh cữu, tôi chỉ là phù du, không tôi, thì chẳng có gì là “của tôi” để tôi chấp vào đó cả. Cho nên theo lý thuyết, ta không nên chấp vào bất kỳ điều gì trong vũ trụ, nhưng thực hành thì chỉ cần vô ngã “không tôi”–không còn chấp vào tôi nữa thì tự nhiên ta sẽ không chấp vào bất kì điều gì trong vũ trụ.

Nhưng, tại sao tôi phải vô chấp?

- Thưa, vì nếu bạn chấp thì bạn đúng là tên khờ.

Huấn luyện viên nhắc đi nhắc lại chiến lược: “Có bóng vào chân là tức khắc chuyền bóng cho bạn đồng đội.” Tôi thuộc câu này nằm lòng. Tôi đang có bóng trong chân, chỉ trước khung thành bỏ trống của địch 2m, thủ môn địch đã chạy trờ lên trước xa rồi, chẳng có bóng một tên hậu vệ nào của địch cả, theo đúng chiến lược đã định, tôi liền chuyền bóng cho tiền vệ của tôi đang chạy sau tôi 20m.

Chấp làm cho người ta trở thành “si” (mê muội), nguồn gốc của mọi đau khổ. Si là một trong ba độc “tham, sân, si” (tham lam, sân hận, si mê), nhưng thực ra tham và sân đưa đến si, và chính si tạo khổ. Si là vô minh (không ánh sáng), là nguồn gốc của khổ.

Chúc các bạn một ngày vui.
Trần Đình Hoành © copyright 2010 http://www.dotchuoinon.com/

IV. Kết luận:

Ta muốn tránh những khuyết điểm sai lầm, không muốn thành kẽ cận bã ở xã hội ta thường tự quán xét lại thân tâm. Và rút kinh nghiệm chuyện đạo/đời trong Phật kệ (Kệ Pháp Cú), chính đó là tự học làm người. Tri ngã chính là tự quán xét lại thân tâm.

-Ta không gây hại ai là Tự giác (tránh dữ, làm lành là nhờ học Nhơn Quả giáo lý).

-Ta học bao nhiêu, thực hành bấy nhiêu, đó là giác-tha. (Từ,Bi,Hỉ,Xã).

-Vì học giáo lý mà ta biết xã hội này có nhiều phiền-não. Tránh xa.

-Vì học giáo lý mà ta biết giữ thân làm lành khỏi xa địa ngục.v.v.

Biết đủ và thường quán xét lại thân tâm ta hãy xem lại bài kết luận một lần nửa trong trang Mê & Ngộ luận bàn http://diendan.daitangkinhvietnam.org/viewtopic.php?f=43&t=3000

Chúc các bạn thành công trên đường đời. Chớ vi khuyết điểm sanh ra tự ti mặc cảm, trầm cảm với đời thì tự mình làm khổ cho mình.

Thân ái. TN

Mê & Ngộ luận bàn kết luận:

1. Xem lại truyện đạo: Người mù rờ voi.

2. Phật học Phổ Thông: Khóa hai bài thứ 8. Tinh thần Tứ Nhiếp Pháp. Là Bố thí nhiếp, ái ngữ nhiếp, lợi hành nhiếp và đồng sự nhiếp.

3. Phật học Phổ thông: Khóa hai bài thứ 9. Tinh thần Lục hòa. Là Thân hòa đồng trú (ở), Lời nói hòa đồng (không cao thấp, sĩ nhục, to tiếng, ngã kiến), Ý hòa cùng vui, Giới hòa đồng tu, Kiến hòa đồng giải, lợi hòa đồng quân.

4. Khế lý, Khế cơ.

5. Chánh Báo, Y Báo.

6. Nghĩa Pháp Từ Thuyết cần thông suốt, có thứ tự.
http://sites.google.com/site/layphat/tri-nga

Diễn đàn: http://thiennhan.freeforums.org/
http://phapcu.wordpress.com/


Geen opmerkingen: