vrijdag 8 februari 2013

Toát yếu: Bài học Hồi quang phản chiếu, phản quan tự kỷ của HT. Thích Thanh Từ.


Lời Hòa Thượng Giảng: Hồi quang phản chiếu & Phản quan tự kỷ

Trước hết tôi nói về “Hồi quang phản chiếu”. Chữ “hồi” là quay lại, “quang” là ánh sáng, “phản” là trở lại, “chiếu” là soi sáng. “Hồi quang phản chiếu” tức là quay ánh sáng trở lại, soi rọi chính mình. Soi thế nào? Nhiều người không hiểu, tưởng ngồi nhìn chăm chăm thấu tim gan ruột phổi, đó là phản chiếu. Hiểu như vậy là sai lầm. Tôi sẽ dẫn kinh để nói rõ hơn về điều này.HT. T.T.T (Xem tiếp...)

I.
Trong kinh Lăng nghiêm, khi Đức Phật đưa tay lên hỏi ngài A-nan thấy không, ngài A-nan trả lời thấy. Rồi Phật để tay xuống hỏi ngài A-nan thấy không, ngài A-nan trả lời không thấy. Ngay đó Phật liền quở Ngài là quên mình theo vật. Tất cả chúng ta từ người trí thức cho tới kẻ bình dân, suốt ngày ai cũng phóng sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đuổi theo sáu trần bên ngoài, luôn luôn phân tích, chia chẻ, tìm hiểu. Cứ thấy hình sắc thì phân tích đẹp xấu, nghe âm thanh cũng phân tích tiếng hay dở v.v… Đối diện với tất cả cảnh giới bên ngoài, đều đem hết khả năng soi sáng của mình phân tích, chia chẻ sự vật. Càng phân tích, chia chẻ nhiều chừng nào thì càng quên mình nhiều chừng ấy.

II.
Do đó mắt vừa thấy hình tướng thì nói thấy, khi hình tướng mất đi nói không thấy. Đó là chúng ta phóng ánh sáng của mình đuổi theo vật, hay nói cách khác là phóng quang chiếu ngoại. Phóng quang này không phải phóng quang của chư Phật, mà đem cái tri giác hiểu biết của mình phóng ra ngoài để phân tích, chia chẻ sự vật. Vì vậy khi có sự vật thì tưởng như có mình, khi mất sự vật tưởng như mất mình. Đó là một mê lầm rất đáng thương.

III.
Phật quở ngài A-nan quên mình theo vật là vì thế. Cánh tay là vật ở ngoài, còn cái hay thấy tức là ánh sáng của chính mình. Khi có cánh tay Ngài nói thấy, khi không có cánh tay Ngài nói không thấy. Như vậy nhớ mình hay nhớ vật? Rõ ràng là nhớ vật mà quên mình. Đúng ra khi thấy cánh tay nên nói thấy có cánh tay, khi tay để xuống nên nói thấy không có cánh tay. Tay khi có khi không, cái thấy luôn luôn sẵn có. Nếu tay để xuống nói không thấy như vậy thành mù sao?

IV.
Chúng ta mê muội chỉ nhớ vật ở ngoài, không nhớ cái hay thấy của mình. Chính cái hay thấy mới là mình, còn vật ở ngoài chỉ là ngoại cảnh. Quên mình theo vật, đó là chỗ tất cả chúng ta đang mắc phải. Mắt thấy sắc chỉ nhớ cảnh nhớ người mà không nhớ có cái hay thấy. Chúng ta tu hành thường vướng hai chứng bệnh rất nặng, rất sâu kín, đó là quên mình và mắc kẹt ngoại cảnh. Vì vậy các thiền sư thường dạy nơi sáu căn phải luôn gìn giữ đừng cho dính mắc sáu trần. Dính mắc tức là chạy theo, mà chạy theo tức là quên mình. Đó là gốc của sự tu.

V.
Trong sáu căn dễ nhận dễ thấy nhất là mắt và tai, nên các thiền sư dùng nhiều thủ thuật để chỉ hai tánh thấy và nghe đó. Hoặc đưa phất tử, hoặc đưa cành hoa v.v… để nhắc nơi chúng ta có cái hay thấy. Nếu ngay hình ảnh đó, ta nhớ được mình có cái hay thấy là nhớ được tâm chân thật rồi.

VI.
Hình ảnh Phật đưa cành hoa sen lên, ngài Ca-diếp mỉm cười, đó là sự cảm thông của hai thầy trò, Tôn giả đã lãnh hội được điều Đức Phật muốn chỉ. Thấy cành hoa không lệ thuộc vào cành hoa, mà biết được mình có cái hay thấy. Khi Phật đưa mắt nhìn khắp đại chúng, tới Ca-diếp Ngài cười. Đó là đệ tử hiểu được ý Phật, nhìn cảnh mà chẳng quên mình, hay nói cách khác là nương nơi cảnh mà thấy mình. Vì vậy trong nhà thiền có câu "kiến sắc minh tâm". Nghĩa là thấy hình sắc bên ngoài mà sáng được tâm của mình.

VII.
Tâm mình ở đâu? Lâu nay nhiều người cứ cho tâm là cái suy nghĩ lăng xăng lộn xộn hằng ngày, không ngờ cái hay thấy hay biết mới là tâm mình. Tâm đó không có lăng xăng lộn xộn. Thấy được cành hoa là chỉ cho "kiến sắc", nhận ra mình có cái hay thấy, hay biết hằng hữu không thiếu vắng là "minh tâm". Rõ được tâm mình thì không chạy theo vật. Nếu chỉ biết cành hoa bên ngoài, có thì nói thấy, không có thì nói không thấy, đó là quên mình theo vật. Quên mình theo vật là mê, nhớ mình không theo vật là giác.

VIII.
Như vậy thì hồi quang phản chiếu nghĩa là soi ánh sáng trở lại mình. Thay vì trước kia ta phóng ánh sáng ấy theo sáu trần, bây giờ dừng lại, nhớ ánh sáng đó hiện hữu nơi sáu căn của mình, không theo sáu trần nữa. Đó là trọng tâm các thiền sư dạy cho chúng ta. Người được thấy như mù nghe như điếc, dù ngồi giữa chợ cũng như ngồi thiền.
Chúng ta nhiều khi ngồi thiền tại thiền đường mà ai nói gì cũng lắng tai nghe. Ngồi thiền như vậy cũng giống như ngồi ngoài chợ. Các thiền sư luôn nhắc chúng ta phải hồi quang phản chiếu, quay lại nhớ mình, đừng nhớ cảnh. Đó là gốc của sự tu.

Thiền sư nhờ tu như thế nên các ngài không bận bịu, không kiềm chế, sống rất tự tại thoải mái, thấy nghe đều không dính. Nếu chúng ta tu được vậy có thích không? Rất thích. Nhưng vì mình chưa được thế nên phải có câu thứ hai, tức là “phản quan tự kỷ”. Chữ “quang” của hồi quang có “g” để chỉ ánh sáng. Chữ “quan” của phản quan không có “g” để chỉ sự xem xét quán chiếu.


**************
Phản quan tự kỷ
**************
IV.
“Phản quan tự kỷ” nghĩa là xem xét lại mình, quán chiếu lại mình. Hồi quang phản chiếu có tánh cách kỳ đặc dành cho bậc thượng cơ, nhất là những vị tu theo Thiền tông. Còn phản quan tự kỷ là nói tổng quát, bao trùm hết thảy giáo lý nhà Phật.

Nghĩa là soi xét lại chính mình, từ thân thể cho tới nội tâm, thấy rõ thân thể, nội tâm như thế nào.

X.
Ví dụ Phật dạy tu thiền, quán Tứ niệm xứ là pháp căn bản trong các kinh A-hàm. Quán Tứ niệm xứ là quán cái gì?

Một, quán thân bất tịnh, xem xét phân tích tường tận từng bộ phận thân này, thấy đều nhớp nhúa, đó là quán thân bất tịnh.
Hai, quán thọ thị khổ, tức là tất cả cảm giác do sáu trần đến với mình, ta cảm nhận rõ ràng chúng đều vô thường, không thật có, là gốc của đau khổ.
Ba, quán tâm vô thường, tức những tâm niệm của mình luôn luôn sanh diệt, không dừng, đó là quán tâm vô thường.
Bốn, quán pháp vô ngã tức là quán tất cả pháp, từ tâm pháp cho tới ngoại cảnh đều do duyên hợp không có chủ.

XI.
Phật dạy vị nào cột tâm trong Tứ niệm xứ được bảy ngày không dời đổi, người đó sẽ chứng quả A-la-hán. Chẳng những bảy ngày mà ba ngày, chẳng những ba ngày mà một ngày, cột tâm trong Tứ niệm xứ không dời đổi sẽ chứng quả A-na-hàm. Chúng ta thấy tu dễ chứng quá, phải không?
Chỉ cột tâm trong Tứ niệm xứ trọn ngày không dời đổi liền chứng quả A-na-hàm. Quán như thế là phản chiếu lại mình, soi sáng lại mình, xét nét lại mình, nên pháp của các kinh A-hàm hay của Phật giáo Nguyên thủy vẫn là pháp tu “Phản quan tự kỷ”. Cho tới như không dùng Tứ niệm xứ, mà dùng Ngũ đình tâm quán thì cũng là soi xét lại mình. Đó là nói hệ thống A-hàm.

XII.
Qua hệ thống Bát-nhã, mỗi đêm chúng ta đều tụng “Chiếu kiến ngũ uẩn giai không”. Chiếu kiến ngũ uẩn của ai? Ngũ uẩn của mình. Như vậy cũng là soi sáng, xét nét lại chính mình để biết rõ năm uẩn không thật, không có thực thể, từ đó mà qua tất cả khổ nạn. Chúng ta thấy từ hệ A-hàm tiến lên hệ Bát-nhã, Phật đều dạy phản chiếu lại mình.

XIII.
Đến Thiền tông tôi thường hướng dẫn quý thầy cô nhìn lại từng niệm khởi, đừng chạy theo nó, gọi là biết vọng không theo.

Như thế có phải phản quan không? Nếu không xoay lại làm sao thấy niệm khởi? Rõ ràng đó là lối phản quan.

XIV.
Tóm lại, từ pháp tu A-hàm, pháp tu Bát-nhã, tới pháp tu Thiền tông đều dạy phản quan. Như vậy toàn bộ hệ thống tu của đạo Phật đều lấy phản quan tự kỷ làm trọng tâm.

XV.
Câu “hồi quang phản chiếu” mới nghe thấy tương tự nhưng thật ra có khác. Đây là trường hợp dành cho những bậc kỳ đặc như Tổ Lâm Tế hay Lục tổ Huệ Năng.
Lục Tổ Huệ Năng khi thấy tăng ngồi thiền, ngài liền kéo lỗ tai thổi phù. Ngài Lâm Tế cũng không thích ngồi thiền, vậy các ngài tu cái gì? Các ngài luôn hồi quang phản chiếu, tức nhớ nơi sáu căn thường sáng rỡ, không phóng ra ngoài.

XVI.
“Hồi quang phản chiếu” và “Phản quan tự kỷ” là nền tảng của tất cả người tu Phật chúng ta. Nếu mình làm chưa nổi trường hợp thứ nhất, thì phải theo trường hợp thứ hai, tức là phản quan tự kỷ.

XVII.
Chừng nào nội tâm trong sạch, yên lặng hết mới bước qua trình độ thứ nhất là hồi quang phản chiếu. Đi đứng nằm ngồi mà không dính nghiệp gì hết. Thấy như mù, nghe như điếc, đó là tự tại vô ngại.

XVIII.
Tăng Ni nên nhớ trường hợp hồi quang phản chiếu chỉ dành cho người nào triệt ngộ, nghĩa là đi đứng nằm ngồi không quên mình, mới dùng được. Ai còn quên mình thì khoan dùng, dùng rất nguy hiểm. Tăng Ni cần phải nắm thật vững, hiểu cho tường tận như thế, để trong sự tu ứng dụng đúng, đạt kết quả tốt, không bị lầm lẫn đáng tiếc.
Đây là ý nghĩa tôi muốn nhắc nhở nhân ngày đầu năm.
HT.Thích Thanh Từ http://www.giacngo.vn/phathoc/thient.../02/07/164401/

***************
***************
Viết cho Diễn đàn:

I. Mở đề:
Chào các bạn,

Theo cp nhận xét đây là một bài giảng thật là quan trọng cho tất cã Phật tử theo Chánh Pháp. Tu hành theo gương Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy.

Hòa Thượng giảng thật là dể hiểu, nếu ta không để ý từ câu, chia ra từng đoạn như trên thì cũng có thể là bỏ đi cơ hội thâu nhập lời hay ý đẹp của Ngài.

Nhưng vẫn còn một việc rất quan trọng khi chúng ta sao chép để học hay là với tính chất truyền bá, thì làm sao cho thật đơn giản, tạo bài văn cho Độc giả chú ý, thế nào? Về căn bản, người viết thực hiện ba điều cần "Có" khi sao chép là...
1. Sắp đặt bài văn trong Khuôn khổ tối đa: A.4 trang giấy.
2. Màu sắc cho tiêu đề, chánh đề, kết luận và các tranh ảnh, âm thanh để gợi ý hướng dẫn cho bài văn.
3. Chú thích: Nơi xuất xứ, Tác giả, dịch giả và nội dung phải đi sâu vào Kinh Luật Luận.

*****
II. Chánh đề:

Trở lại đề tài sự khác biệt giữa phản quan tự kỷ hồi quang phản chiếu thế nào?

Hòa Thượng giảng ''Hồi quang phản chiếu'' nghĩa là quay ánh sáng soi lại chính mình, tức là quán chiếu nội tâm chớ không chạy theo ngoại cảnh.

Ngài đã dựa vào kinh Lăng Nghiêm "Phật dạy cho Ngài A-nan xem xét tâm như thế nào...'' Ngài A-nan lại đại diện cho các Học giả Phật tử trả lời 7 lần, Phật điều bát tất cả. Điều này các bạn nên xem lại toàn bộ Kinh Lăng Nghiêm, trước khi tìm hiểu thêm lời HT. Cho dể thu nhập.

Từ Phần I tới VIII. Ngài giải thích từ trong Kinh Lăng Nghiêm cho đến ý nghĩa của từ ngữ ''Hồi quang phản chiếu'' là gì, là điều do căn trần thức của 6 giác quan dẫn ta đi vào lục đạo luân hồi.

Sau đó sự giác ngộ của Tổ Ca-diếp, khi Phật đưa cành hoa sen...
Khi đã hiểu cách thức Tu Thiền Đốn Ngộ của các Thiền Sư rồi thì thực hành thật là dể.

Nhưng ngày nay, chúng ta hiểu thì có hiểu, mà thực hành thì không thể thực hành như các bậc Thiền sư được, Là tại sao?

Do đó, tới giai đoạn hai, Hòa Thượng giải thật là dể hiểu về ''Phản quan tự kỷ'', theo tôi thì các bạn đọc qua là hiểu liền, khỏi cần thắc mắc hoặc tìm sách vở để tham khảo thêm.v.v.
Vì từ Phần IX cho tới phần XIII. Giống như một bản đồ hướng dẫn. Thật là dể hiểu vậy.

III. Kết luận:

1. Bài giảng gồm có hai phần chánh:
Phản quan tự kỷ nghĩa là gì? và Hồi quang phản chiếu nghĩa là gì?

2. Hồi quang phản chiếu: Dành cho bậc Thượng căn đã có nhiều đời nhiều kiếp tu hành, ngày nay gặp được Thầy lành bạn quí mà tự khai ngộ. Ngày nay các học giả thường gọi là tu thiền đốn ngộ. (cp nghĩ về từ ngữ khác như là Thiền công án, Tham thoại đầu, hoặc hành giả tu tối thượng thừa. Pháp Không tánh.v.v. Thì cũng không ra ngoài ''Hồi quang phản chiếu''.

3. Phản quan tự kỷ: Thuộc về thiền chỉ quán, tu tiệm, căn cơ nào cũng tu được, pháp môn nào cũng có sự tương hợp hợp với sở thích hành giả. Nên nhớ là ''chúng ta tự xét lại mình trước khi thực hành'' Nếu có gặp được Thiện Tri Thức thì sự ưu đải của ta sẽ càng nhanh hơn. Chúc các bạn nhiều mai mắn. (Cầu Pháp).

Lưu ý: Bài giảng của HT. Thích Thanh Từ không phải chỉ là dành riêng cho các môn sinh thôi, mà Ngài đã giảng cho tất cã hàng tứ chúng Phật tử, Nam Tông cũng như Bắc Tông. Không phân biệt căn cơ, không nói cao thấp về Pháp môn tu hành. Thật là một bài giảng bình đẳng, từ bi và đầy đủ trí Huệ.
Kính mời Thiện hữu Tri Thức,
Bài viết sơ khai, mời mời sửa lại. Nội dung hiện tại, Đạo hữu tiếp tay.
Thân kính.
Hỏi sao có lợi đôi bên,
Đáp sao cho thuận cho bền với nhau.
Đó là...!? (b B t T b B)
(b B t T b B t B)

zondag 3 februari 2013

Lễ chúc Tết Ất Hợi

Trích dẫn Bài giảng:
Lễ chúc Tết Ất Hợi


1.Phật là con người, vì con người, giải quyết những vấn đề con người.

Đây là bài pháp tôi cho là tối quan trọng. Nếu chúng ta tu theo đạo Phật mà không biết Phật tu thế nào, ngộ cái gì, mục đích của Ngài cầu mong đạt được điều gì, thì tự nhiên việc tu của chúng ta cũng không bao giờ có một hướng đi chắc chắn. Cho nên chúng ta phải biết tại sao ngày xưa Thái tử đi tu?
Ngài đi tu đạt đạo là đạt cái gì?
Về sau chư Tổ truyền bá tiếp nối là truyền bá tiếp nối cái gì?
Và hiện nay chúng ta phải làm những việc gì để gọi là tu hành giác ngộ giải thoát?

Đó là những điểm rất quan trọng đối với đời tu của mình.

1.1.“Phật là con người”, ý này là một bài giảng riêng, hôm nay tôi lược qua, vì nói Ngài là con người thì ai cũng hiểu rồi. “Vì con người, giải quyết những vấn đề con người”, đây là điều tôi sẽ nói cho quí vị thấy rõ.

Trên đường tu, chúng ta đã hi sinh một cuộc đời quí báu làm tu sĩ, mà không biết sự hi sinh đó có cái gì cao cả, có cái gì quí báu để mình phải hi sinh. Nếu hi sinh không thụ hưởng danh lợi thế gian để vào trong đạo, rồi cũng chỉ là một ông thầy tu, khác với thế gian chỉ chiếc áo cái đầu, thì thật là uổng một đời hi sinh. Cho nên chúng ta phải thấy tinh thần cao cả của người tu nằm ở chỗ nào? Phải thấy rõ, hiểu biết tường tận thì giá trị tu của chúng ta không lầm, không sai.

Muốn thấy rõ thì phải biết từ đức Phật, chư Tổ, rồi đến chúng ta, một con đường trước sau duy nhất không lệch, không khác, thì mới có thể đạt được cái quả mà đức Phật đã đạt được.

Nếu chúng ta không hiểu Phật làm gì, Phật đạt gì thì đời tu chúng ta rồi cũng chênh chông không có nơi chốn y cứ, dễ lạc lầm vào ngoại đạo tà giáo. Như vậy đời xuất gia của chúng ta vô tình uổng phí, còn có thể nhiều kiếp đi lệch đường và có thể rơi vào tà quái là khác. Cho nên phải nắm cho thật vững, thấy tường tận đường đi của mình để khỏi lầm lẫn. Đó là điều hết sức quan trọng.

1.2. Đầu tiên tôi nói lý do Thái tử Tất-đạt-đa đi tu. Ai đọc sử Phật cũng đều rõ Thái tử Tất-đạt-đa là một vị đông cung ở trong đài vàng cung ngọc, vợ đẹp con xinh, đủ hết. Nhưng tại sao Ngài bỏ hết những sang cả mà thế gian đang thèm khát, đang mong đợi đó, để làm một ông thầy tu?

Điều đó hẳn quí vị còn nhớ, sau khi Thái tử được Vua cha cho phép đi dạo bốn cửa thành, Ngài thấy cảnh người già, người bệnh, người chết và một vị Sa-môn. Thấy được bốn cảnh ấy rồi, khi trở về cung Thái tử không còn vui tươi như trước. Trái lại Ngài băn khoăn, thắc mắc, không thể nào ngồi yên trong chỗ sang trọng an vui đó nữa. Như vậy Ngài băn khoăn cái gì, thắc mắc cái gì đến không thể ngồi yên, buộc lòng phải vượt thành xuất gia? Đó là điều chúng ta phải lưu tâm.

Theo cái nhìn của tôi, khi Thái tử thấy cảnh già, bệnh, chết, với trí óc sáng suốt, nhạy bén, Ngài thấy người trước già bệnh chết thì người sau cũng già bệnh chết, người kia già bệnh chết thì mình cũng phải già bệnh chết. Như vậy già bệnh chết là luật chung của nhân loại chớ không phải riêng một ai. Tại sao con người có mặt ra đây rồi phải chịu già bệnh chết? Đó là một thắc mắc.

Thắc mắc thứ hai, sau khi chết rồi con người còn hay mất, nếu còn thì đi đâu?

Thứ ba, nếu không muốn cảnh sanh già bệnh chết nữa, con người phải làm sao?

Đó là ba vấn đề Ngài không thể nào an tâm được. Bởi vì thấy lớp người trước, lớp người kế, lớp người sau đều bị cảnh sanh già bệnh chết, rồi cứ mãi mãi như vậy không cùng không tận. Không có ai biết tìm một lối thoát, tất cả đều chấp nhận một lối đi chung, muôn người như một.

Đối với Thái tử, Ngài không cam nhìn một việc mà ai cũng thừa nhận cho là lẽ thường. Ngài thấy đó là một chuyện bất lực. Con người phải biết rõ tại sao mình có mặt ra đây? Rồi sau khi chết mình còn hay mất, nếu còn thì đi đâu? Và làm sao chấm dứt dòng sanh tử đó? Giải quyết ba vấn đề này là Ngài giải quyết được vấn đề con người.

Quí vị nghĩ kỹ xem, ở thế gian này chúng ta đang bị mọi thứ cám dỗ lừa bịp, khiến chúng ta cứ say trong cảnh trần tục. Sắc, thanh, hương, vị, xúc cứ che đậy làm mù mắt, làm điếc tai chúng ta. Chúng ta cứ bị quay cuồng trong cảnh đó rồi đuổi theo sáu trần. Khi đuổi theo sáu trần chưa thỏa mãn thì thân đã bại hoại. Người khác sanh ra cũng bị sáu trần lôi cuốn, cũng đuổi theo nó, rốt cuộc chưa được thỏa mãn thì thân đã hoại. Cứ như vậy, trước sau đều đi chung một con đường, không ai vượt ra khỏi.

Bây giờ thay vì thỏa mãn sáu trần, Thái tử quyết tìm cho ra lý do gì mình có mặt ở đây, sau khi chết mình còn hay mất, nếu còn thì đi đâu, và khi biết mình phải bị dòng sanh tử lôi cuốn hết đời này tiếp đời khác liên tục thì phải làm sao để chấm dứt dòng sanh tử đó.

Những vấn đề này, quí vị thấy có phải là tối cần thiết cho con người hay không?

Chúng ta sống mà không biết tại sao mình có mặt ở đây, đó là mù mờ về quá khứ của mình. Sau khi chết không biết mình còn hay mất và không biết mình đi đâu, đó là mù mờ về ngày mai của mình. Nếu mình không muốn bị lôi kéo trong vòng sanh tử nữa, cũng không biết có cách nào thoát được, đó là mù mờ về lối thoát ra khỏi sanh tử, bị sanh tử lôi cuốn.

Như vậy, tôi nói gọn lại ba vấn đề đó là: Trước khi có mặt ở đây mình là gì? Sau khi chết mình đi đâu? Muốn không còn sự tiếp tục sanh tử phải làm sao?

Chúng ta chỉ biết ăn ngon mặc đẹp, hưởng lạc thú trần gian. Khi chúng ta đuổi theo lạc thú như vậy, giả sử được thỏa mãn mọi nhu cầu đó, rồi để đi tới đâu? Rồi để chết, phải không? Nghĩa là thỏa mãn ăn ngon, mặc đẹp, thỏa mãn tất cả những tham muốn của mình, đáo để rồi thân cũng bại hoại. Như vậy, nuôi dưỡng tâng tiu một cái mà cái đó sắp bại hoại thì sự nuôi dưỡng tâng tiu đó có hoài công không? Đó là một vấn đề.

Thế gian muôn người như một, chỉ biết làm sao sống cho được vui, cho được lạc thú, được thỏa mãn mọi nhu cầu. Nhưng được như vậy rốt cuộc thân bại hoại, thì cái được đó rồi để đi tới đâu? Được để rồi mất! Vậy có đáng ham mê, đáng thích thú hay không? Quí vị mới thấy nếu chúng ta sống trên đời này mà chính mình không biết trước kia mình ở đâu, tại sao mình có mặt, cũng không biết sau khi chết mình ra sao v.v..., thì trước mù mịt, sau mù mịt và ngay trong cuộc sống này cũng mù mịt luôn. Như vậy cuộc sống trở thành vô nghĩa.

Cho nên khi nhận thấy cuộc đời rõ ràng như vậy rồi, Thái tử trăn trở, băn khoăn, thắc mắc không yên trong cảnh giàu sang nhung lụa. Ngài quyết tâm đi tìm cho ra manh mối do đâu mình có mặt ở đây, sau khi chết mình đi đâu và muốn không còn sanh tử nữa phải làm sao? Phải giải quyết cho xong ba vấn đề đó Ngài mới an lòng, mới thỏa mãn. Đó là lý do chủ yếu Ngài đi tu.

Bây giờ hỏi lại quí vị, quí vị đi tu mà có thắc mắc những vấn đề đó hay không? Hay thấy người ta tu ở chùa vui vui, mình cũng đi tu theo cho vui vậy thôi. Nếu thấy ở chùa vui vui mà đi tu theo, thì mai mốt có cái gì vui hơn rủ, mình cũng đi theo nữa phải không? Vì mình không có lập trường, không có hướng đi. Còn Thái tử do có lập trường, có hướng đi rõ ràng, nên sau khi đi tu, tự Ngài chưa tìm thấy, chưa biết được phương pháp giải quyết ba vấn đề trên, Ngài phải đi học với các vị tu trước, trong sử gọi là các ông tiên, mong tìm được lối giải quyết những vấn đề đang thắc mắc.

1.3.Vị Thầy đầu tiên hướng dẫn Ngài tu được kết quả là chứng Tứ thiền, tức xả niệm thanh tịnh, không còn niệm khởi, chỉ có cái trong sạch thanh tịnh thôi. Nhưng cái thanh tịnh đó không giải quyết được tại sao mình có ra, chết rồi mình đi đâu và muốn dứt sanh tử mình phải làm sao. Ba vấn đề đó không giải quyết được, chỉ có một niệm yên ổn thanh tịnh. Như vậy không đủ thỏa mãn nguyện vọng của Ngài, nên Ngài từ giã ra đi.

1.4. Tới vị thầy cuối cùng dạy Ngài tu đến chỗ cứu kính là định Phi tưởng phi phi tưởng, được sanh lên cõi trời Phi phi tưởng cũng không giải quyết được ba điều thắc mắc của Ngài, Ngài lại từ giã ra đi. Quí vị thấy, khi chúng ta ôm ấp một nỗi lòng, một thắc mắc nào chưa giải quyết được, cầu người đó giải quyết mà họ giải quyết không xong thì chúng ta có thể ở với người đó được không? - Tự nhiên phải đi. Sự thắc mắc của Ngài, các vị thầy kia không giải quyết được cho nên Ngài nhất định ra đi.

Chúng ta bây giờ tu không có thắc mắc gì hết, đi tu cứ tu, cho nên vô chùa bảo sao chịu vậy. Ai biểu đi cúng thì mình đi cúng, kêu đi tụng thì đi tụng, ai bảo gì làm nấy, bởi vì mình không có thắc mắc. Không thắc mắc thì biết đâu mà đòi hỏi, biết đâu mà làm thỏa mãn nguyện vọng của mình. Đó là chỗ chúng ta thiếu sót, không có ý chí, nghị lực, không có nhận xét chín chắn từ buổi ban đầu, nên khi đi tu gặp cảnh nào chúng ta theo cảnh ấy.

Nếu có con đường, có thắc mắc thì khi điều thắc mắc chưa được thỏa mãn, nhất định mình không ở đó, phải không? Đó là một lẽ thật. Do Thái tử ôm ấp thắc mắc mà không giải quyết được, cho nên Ngài phải đi. Bây giờ không còn người dạy nữa, Ngài phải làm sao? Ngài nghĩ, có thể dùng khổ hạnh để hủy hoại thân này, may ra tìm được giải đáp đó. Nhưng rốt cuộc, bao nhiêu năm khổ hạnh cho tới khi thân Ngài yếu đuối, ngất xỉu nhiều lần vẫn không giải quyết được những thắc mắc, nên Ngài cũng phải bỏ khổ hạnh trở lại lý trung đạo, tức là hơi bình thường một chút, ăn mặc đơn giản, để cuộc sống có đầy đủ sức mạnh, đầy đủ trí tuệ vươn lên.

1.5. Cuối cùng Ngài đến cội bồ-đề quyết tâm liều chết tu để tìm cho ra manh mối những điều Ngài đang thắc mắc.

Muốn tìm manh mối đó Ngài phải làm sao? Không thể hỏi ai được, vì trước Ngài chưa có ai giải quyết những vấn đề đó. Chỉ còn cách là nghiêm chỉnh ngồi yên, lắng tâm, đi sâu vào thiền định, soi lại chính mình phăng tìm manh mối đó.

1.6.Dưới cội bồ-đề đến đêm bốn chín, theo sử ghi lại, đầu hôm Ngài chứng được Thiên nhãn minh, chỗ khác cũng gọi là Sanh tử trí. Khi chứng được Thiên nhãn minh, Ngài sáng rõ được manh mối con người sau khi chết đi về đâu.

Trong kinh Phật thường diễn tả rằng: “Ta thấy chúng sanh chết đây sanh kia, tùy theo nghiệp dẫn đi trong lục đạo luân hồi, như người đứng trên lầu cao nhìn xuống ngã tư đường, thấy kẻ đi nơi này người đi nơi nọ một cách rõ ràng.”

Như vậy tức là do Ngài chứng được Thiên nhãn minh hay Sanh tử trí, Ngài thấy rõ được con người sau khi chết theo nghiệp đi luân hồi trong lục đạo. Thấy rõ điều đó là giải quyết được gì chưa? - Ngài đã giải quyết được vấn đề: “Sau khi chết con người đi đâu? còn hay hết? nếu còn thì đi đâu?”
Rõ ràng chết rồi không phải hết, mà chết rồi vẫn theo nghiệp đi thọ sanh trong lục đạo luân hồi. Ngài thấy rõ ràng chớ không phải suy lý, cũng không phải tin nơi ai.

Đó là Ngài thấy, nên gọi là chứng. Khi Ngài chứng được Thiên nhãn minh thì trong ba cái nghi vấn Ngài đã giải được một nghi rồi.

Trong nhiều kinh, Phật giải thích hết sức rõ ràng cho chúng ta biết người tạo nghiệp gì thì đi đường nào trong lục đạo.
Thí dụ tu Thập thiện thì đi lên cõi trời, giữ Năm giới thì sanh lại làm người, tạo Thập ác đọa địa ngục v.v...

Kinh Phật nói hết sức tường tận, bởi Ngài thấy rồi sau mới nói, không phải là do học, cũng không phải do ai bảo. Đó là giải quyết được vấn đề thứ nhất.

1.7. Kế đó, tới canh hai, canh ba Ngài chứng được Túc mạng minh, là cái sáng nhớ lại những kiếp về trước một cách rõ ràng.
Trong kinh, Phật thường nói: “Ta nhớ lại vô số kiếp trước như nhớ việc làm hôm qua.” Hôm qua làm việc gì, bữa nay nhớ lại có sai biệt không? Cũng vậy, vô số kiếp về trước Ngài từng ở đâu, sanh nơi nào, cha tên gì, mẹ tên gì, làm nghề gì, ở đâu, Ngài nhớ lại tường tận rõ ràng như nhớ chuyện xảy ra ngày hôm qua.

Điều đó giải quyết được thêm gì chưa? Giải quyết được nghi vấn tại sao chúng ta có mặt nơi đây. Như vậy, trước do chúng ta tạo nhân tốt hoặc xấu, khi mất thân đó, nghiệp dẫn đến thân này. Vậy thân này là thừa hưởng nghiệp của quá khứ, chớ không phải ngẫu nhiên.

Vậy Ngài đã giải được cái nghi: “Tại sao mình có mặt nơi đây?”

1.8.Đức Phật đã giải quyết được hai nghi vấn rồi. Ngài biết rõ con người do nghiệp dẫn, rồi tiếp tục sanh tử, đời trước, đời kế, mãi đến đời này. Đời này tạo nghiệp dẫn tới vô số đời sau. Như vậy dòng sanh tử triền miên không dứt. Trước tạo nghiệp dẫn tới sau, sau tạo nghiệp dẫn tới sau nữa, cứ như vậy dẫn mãi, đi trong vòng sanh tử không có ngày cùng. Cho nên Phật thường nói khổ sanh tử như biển cả, không thể cùng, không thể hết.
Chúng sanh theo nghiệp lăn lộn trong vòng sanh tử, cái khổ đó không có giới hạn, chừng mực, vô biên vô lượng, nên đức Phật nói “nước mắt chúng sanh nhiều như nước biển cả” là vậy. Cái khổ đó vô cùng vô tận. Bây giờ muốn hết khổ thì phải làm sao? Đây là điều thắc mắc cuối cùng của Phật.

1.9.Khi sao Mai mọc tức là bắt đầu canh năm, Ngài chứng được Lậu tận minh. Lậu tận minh là cái sáng thấy rõ được nguyên nhân nào con người phải bị dẫn đi trong sanh tử và làm cách gì để gỡ hết mầm nhân đó hầu thoát ly sanh tử. Ngài thấy tường tận hết thảy và chính Ngài đã được như vậy. Sau khi chứng Lậu tận minh, Ngài tuyên bố hoàn toàn giác ngộ thành Phật.

Quí vị thấy đức Phật thành Phật là thành cái gì? Ngài tìm biết vũ trụ, biết nhân sinh, biết tất cả muôn vật bên ngoài để rồi giác ngộ thành Phật, hay là Ngài làm gì khác? Mọi vấn đề Ngài tìm chỉ xoay quanh con người, không gì khác hơn là con người từ đâu đến đây, sau khi chết còn hay mất, nếu còn phải đi đâu, và muốn dứt dòng sanh tử đó phải làm sao. Tức là ba vấn đề hết sức trọng yếu cho kiếp sống con người.

Biết được mình từ đâu lại, biết con người chết rồi sẽ đi đâu, và biết phương pháp nào để dứt dòng sanh tử không còn bị lôi cuốn tiếp nối nữa là giải quyết xong vấn đề con người.

Quí vị thấy ba vấn đề đó nghe qua tưởng như không phải lạ, nhưng kỳ thật nó thiết yếu vô cùng vô tận đối với kiếp sống con người. Nếu chúng ta không biết mình từ đâu lại, chết rồi còn hay mất, sẽ đi đâu và làm sao chấm dứt dòng sanh tử, thì cuộc sống này quí vị nghĩ nó có giá trị gì không?

Con người sanh ra rồi lo ăn lo mặc, tạo đủ nhu cầu cuộc sống nhưng nó có còn mãi, có yên ổn không? Dù lo tạo được gì đi nữa thì cũng từ trẻ đến già, rồi bệnh, rồi chết, không dừng lại một phút giây nào. Vậy chúng ta sanh ra để đi tới tử, không ai thoát ngoài thông lệ ấy. Bao nhiêu công phu lo lắng, bao nhiêu nhọc nhằn gầy dựng sự nghiệp cho mình, rốt cuộc mình không còn. Lo cho một cái mà cái đó sẽ mất. Cuộc sống chúng ta cứ mải mê xoay quanh vấn đề lo cho sự sống để rồi phải chết. Sống tính ngày, tính tháng, tính năm, tính mãi; cuối cùng tính vào quan tài là kết thúc chớ không có gì lạ nữa.

Ngược lại, như giờ muốn biết tại sao chúng ta có mặt ở đây thì cứ nhìn lui về quá khứ. Hiện nay chúng ta tạo nghiệp lành dữ, nghiệp sẽ dẫn tới chỗ nào chúng ta cũng biết rõ. Và nếu không muốn cho nó tiếp tục dẫn thì chúng ta cũng rõ biết cần phải làm sao. Như vậy cuộc sống có giá trị hay không?

So sánh người tạo điều kiện tốt để say mê thụ hưởng dục lạc thế gian rồi chờ chết với người biết rõ do nguyên nhân nào mà tới đây và mai kia chết đi đâu, muốn không còn sanh tử nữa phải làm gì, hai con người đó chúng ta thấy giá trị khác nhau nhiều hay ít? Nếu chúng ta khôn ngoan khéo léo tạo điều kiện tốt cho cuộc sống mình được an vui, sự thọ hưởng luôn sung túc, rồi kết cuộc chết không biết mình đi đâu, không biết mình ra sao, thì chúng ta chỉ được một chặng hết sức ngắn chừng mấy chục năm.

Còn con đường dài vô kể từ quá khứ đến giờ, và từ bây giờ mãi đến vị lai, chúng ta không biết gì hết.
Như vậy được một chặng rất ngắn mà không biết khoảng dài của quá khứ và vị lai, thì cái được đó không nghĩa lý gì, không đáng gì. Nếu chúng ta tiến lên một mức nữa, thấy rõ cái mầm, cái nguyên nhân tạo sanh tử, rồi chúng ta dứt nó để không bị lôi trong vòng sanh tử nữa. Đây mới thật tự tại vô cùng vô tận, phải không?

1.10.Vậy mình tu theo Phật thì phải làm gì và kết quả thành cái gì? - Kết quả là thành Phật. Muốn thành Phật phải giải quyết vấn đề gì? - Phải biết mình từ đâu lại đây, sau khi chết do tạo nghiệp gì đó sẽ đi đâu, nếu không muốn tiếp tục sanh tử nữa thì có cách gì để thoát. Biết rõ ràng như vậy là đi đúng đường Phật dạy. Tóm lại, kết quả mình tu là phải đạt được ba cái minh: Thiên nhãn, Túc mạngLậu tận. Đạt được ba cái đó gọi là thành Phật.
************************************************** ******
Tìm hiểu thêm về tam minh.Quả vị giác ngộ dưới cội Bồ-Đề - Quảng Đức
************************************************** ******

Quí vị thấy do đạt được ba minh này nên sau khi thành Phật, lần đầu tiên thuyết pháp

Ngài nói pháp gì? với ai? - Pháp Tứ đế, nói với năm anh em ông Kiều-trần-như, đó là buổi thuyết pháp đầu tiên.

2. Thời pháp này Ngài nhắm mục tiêu nào để nói? - Rõ ràng có hai vấn đề:
Vấn đề thứ nhất, thân này là khổ quả. Khổ quả này không phải ngẫu nhiên có, mà nó có nguyên nhân. Nguyên nhân của khổ đế tập đế. Tập đế và khổ đế là nhân và quả sanh tử. Đó là Ngài đã nhìn ra, hay giải quyết hai vấn đề: quá khứ đã tạo nhân gì và vị lai sẽ đi đâu. Khi còn đi trong sanh tử, nhân mình tạo thế nào thì cái quả sẽ gặt phải đi theo nhân đó. Như vậy, cái khổ từ nhân tập mà ra. Vậy tập đế và khổ đế là nhân và quả của dòng sanh tử luân hồi, Ngài thấy rõ như vậy.

Vấn đề hai, bây giờ muốn dứt luân hồi, Phật dạy sao? Ngài dạy diệt đế. Muốn diệt thì phải biết diệt cái gì, phương pháp nào để diệt. Phương pháp diệt là đạo đế, và kết quả của diệt là hết sanh tử, tức Niết-bàn. Như vậy muốn được Niết-bàn, hết sanh tử, thì phải diệt sạch tập đế dẫn mình đi trong sanh tử. Hai cái nhân và quả giải thoát này, do chứng được Lậu tận minh mà Ngài chỉ ra tường tận.

2.1.Vậy bài thuyết pháp đó chúng ta thấy rõ ràng đức Phật nhắm hai chiều:

- Chiều đi trong sanh tử: Do cái gì tạo phải chịu sanh tử.
- Chiều giải thoát sanh tử: Phải diệt nhân gì để đưa tới giải thoát sanh tử.
Phật chỉ tường tận như vậy, chúng ta mới thấy đức Phật đem chỗ ngộ của Ngài ra dạy đúng như những gì Ngài thấy, Ngài đang làm đang sống.
Đó là cụ thể, còn nói xa hơn là bài pháp Mười hai nhân duyên Ngài nói sau này: Vô minh đưa tới hành, thức... tới sanh, lão tử, đó là vòng lưu chuyển. Diệt vô minh dẫn đến diệt hành..., diệt sanh, lão tử đó là vòng hoàn diệt. Như vậy Ngài cũng chỉ cho chúng ta thấy đi chiều nào thì tiếp tục trong sanh tử, đi chiều nào sẽ thoát ly sanh tử.

Vậy, lý Tứ đế, Nhân duyên Ngài chỉ dạy cho mọi người đều căn cứ chỗ thấy rõ, chỗ đạt được của Ngài, chớ không phải dùng lý thuyết để nghị luận, tranh cãi.

Nên giáo lý của đạo Phật không có vấn đề nào quan trọng bằng pháp Tứ đế và Thập nhị nhân duyên. Hai cái đó trọng tâm đều đặt ở con người, giải quyết vấn đề con người, không có gì xa lạ.

Bây giờ chúng ta tu phải làm sao? Đó là tôi muốn đặt lại câu hỏi cho quí vị thấy. Khi đức Phật ngồi tu, Ngài phăng tìm ba vấn đề tôi nêu nãy giờ, sự phăng tìm đó là hướng ra ngoài hay hướng về nội tâm? Hướng về mình để tìm cho ra manh mối là lối tự dồn hết khả năng của sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý soi sáng lại, tìm cho ra manh mối sanh tử. Đó là lối tu thiền định, dồn hết tinh thần tìm ra chính cái thật của con người mình. Từ thiền định đó Ngài mới phát minh, mới giác ngộ được ba vấn đề thắc mắc. Hướng đi của Ngài rõ ràng như vậy.

Kế tôi dẫn những vị Tổ sau này, xem các vị dạy có khác đức Phật không. Phật xoay lại soi sáng chính mình, thì các Tổ cũng dùng lối đó không khác. Đó là tôi nói Tổ Đạt-ma và ngài Huệ Khả.
*********
Thiền Tông
*********
3.Ngài Huệ Khả, như tôi nói hôm qua, trước là một vị Tăng y theo kinh để tu, nhưng khi ngồi thiền Ngài bị vọng tâm khuấy động làm cho bất an, khổ sở. Nghe Tổ Bồ-đề-đạt-ma từ Ấn Độ sang, Ngài hi vọng đến nhờ Tổ chỉ cho một lối thoát để được an tâm. Khi tìm đến, thấy Tổ đang ngồi thiền xoay mặt vào vách, Ngài đứng hầu chờ Tổ ra để thưa hỏi.

Nhưng Tổ quở, chê rằng dùng những khổ hạnh nhỏ không xứng đáng, nên Ngài phải dùng phương tiện khác là chặt tay. Nhờ thể hiện sự hi sinh để tỏ lòng tha thiết cầu đạo, Ngài được Tổ Đạt-ma hứa khả nhận làm đệ tử.

3.1.Khi làm đệ tử, nỗi băn khoăn thắc mắc của Tổ Huệ Khả là thế nào? - Phải giải quyết làm sao cho tâm được an. Vì vậy mà Ngài cầu pháp an tâm. Khi cầu xin Thầy dạy cho pháp an tâm, Tổ Bồ-đề-đạt-ma dạy sao? Có dạy giống mình bây giờ không? Dạy đếm hơi thở này kia không? - Không, Ngài chỉ bảo: “Đem tâm ra ta an cho.” Một câu nói mình thấy hết sức phi lý, tâm có hình tướng gì đâu mà đem, mà lôi ra được! Nhưng lời nói của Tổ, Huệ Khả không dám xem thường, nên nghe bảo “đem tâm ra ta an cho”, liền quay lại tìm coi tâm bất an ở đâu.

3.2.Khi xoay lại tìm thì thấy nó ở đâu? - Nó mất tiêu không còn tăm dạng. Không thấy tăm dạng thì phải trả lời sao đây? Ngài thật thà: “Bạch Hoà thượng, con tìm tâm không được.” Nói tìm tâm không được là nói hết sức thật thà. Nhưng Tổ Đạt-ma bảo: “Ta đã an tâm cho ngươi rồi.” Lạ lùng chưa? Tìm không được mà an chỗ nào? Nhưng thật tình là an.

Sở dĩ tâm bất an là vì nó đang chạy nhảy, duyên cái này dính cái kia, bây giờ mình quay lại tìm thì nó mất tiêu. Mất tiêu là hết chạy hết nhảy, tức là an chớ gì? Tổ nói: “Ta đã an tâm cho ngươi rồi.” Một câu nói hết sức giản đơn. Ngay câu đó ngài Huệ Khả biết được lối vào. Lối vào là lối nào? - Chỉ cần soi sáng lại là nó mất. Còn lâu nay chúng ta cứ chạy theo nó, đuổi theo sáu trần cho nên bất an. Bây giờ tìm lại xem nó là cái gì, ở đâu, thì tự nhiên nó mất. Nó mất tức là an.

Như vậy lối thiền của Tổ Đạt-ma dạy Tổ Huệ Khả chỉ là xoay lại soi sáng chính mình. Tìm nghĩa là soi sáng lại. Tìm tức là mình chăm chú, chăm chú mới thấy. Muốn tìm tâm phải chăm chú soi sáng lại mình.

Vậy ngồi thiền nghĩa là chúng ta phải biết soi sáng lại mình, đừng để cho sáu căn rong ruổi bên ngoài. Phải soi sáng lại chính mình mới thấy được vấn đề, thấy được mình, mới giải quyết được ba vấn đề hồi nãy tôi nêu ở chỗ đức Phật, phải không? Nghĩa là tìm ra được tại sao mình có mặt nơi đây, sau khi chết mình còn hay mất, nếu còn thì đi đâu, mới tìm ra được manh mối nào để chấm dứt dòng sanh tử.

Vậy sở dĩ giải quyết được ba cái đó là nhờ soi sáng lại chính mình, tức là thiền, là phản quan chớ không có gì lạ. Soi sáng chính mình là tìm lại mình, thì những tâm phan duyên chạy ra ngoài từ từ lặng. Nên nói Tổ Huệ Khả biết được lối vào, tức là biết được hướng đi, biết đường tu, chớ không phải ngay đó Ngài ngộ. Biết được lối đi rồi, từ đó Ngài chỉ tu bằng cách soi lại mình.

3.3.Một thời gian sau, một hôm Ngài thưa với Tổ Đạt-ma: “Từ đây con bặt hết các duyên.” Bặt hết các duyên, quí vị hiểu sao? Nếu mình còn nhớ hình ảnh, nhớ âm thanh, nhớ cái gì đó... là còn duyên, còn dính với sắc, thanh, hương, vị... Hết dính mấy cái đó gọi là bặt hết các duyên. Như vậy ngay đó Ngài không còn dính với sáu trần nữa, nên nói “từ nay con bặt hết các duyên”.

3.4.Tổ Đạt-ma gạn lại: “Coi chừng rơi vào không.” Nếu không dính sáu trần thì tâm đâu có dấy động. Không động nhiều khi người ta tưởng cứ im lìm trong cái rỗng không, đó là sai, nên Tổ mới gạn lại, ngài Huệ Khả liền thưa: “Con rõ ràng thường biết, làm sao rơi vào không được.” Không là không có gì, không biết gì, bây giờ con biết rõ ràng làm sao nói không!
Tổ Đạt-ma bảo: “Như vậy chỗ ông thấy là chỗ ta thấy, là chỗ chư Phật thấy.” Vậy bặt hết các duyên mà rõ ràng thường biết, đó là chỗ chư Phật đã chứng, chỗ ta đã chứng, chỗ ông đã chứng. Đây là ấn chứng.

Cho nên cuối cùng khi Tổ Đạt-ma thấy hết duyên ở Trung Hoa, Ngài gọi đệ tử lại bảo trình kiến giải, Tổ Huệ Khả ra trình thế nào? Ngài bước ra lạy ba lạy rồi khoanh tay đứng yên. Tổ Đạt-ma nói: “Ông được phần tủy của ta.”

3.5.Tại sao trình kiến giải lại lạy ba lạy rồi đứng yên? - Nếu khởi ngôn ngữ là niệm khởi. Trình kiến giải mà kiến giải đó không còn một niệm nào dấy khởi thì chỉ còn một lối lạy ba lạy khoanh tay đứng yên, vậy là đầy đủ vô cùng. Nên nói: “Ngươi được tủy của ta.” Ngang đó Tổ Huệ Khả đủ điều kiện thay thế Tổ Đạt-ma.

Quí vị thấy đức Phật soi lại mà chứng được Tam minh, Tổ Bồ-đề-đạt-ma truyền Thiền tông sang Trung Hoa cũng bắt soi sáng lại thì mới thấy được cái chân thật của chính mình.
***
***
4.Nhìn qua phần kinh điển chúng ta thấy sao? Những kinh Phật dạy như kinh A-hàm, bên Pàli gọi là Nikàya, thường dạy tu thiền bằng cách quán Tứ niệm xứ, hoặc ứng dụng Ngũ đình tâm quán v.v...

Quán Tứ niệm xứ, quí vị có biết quán làm sao không? Tứ niệm xứ: một là quán thân bất tịnh, hai là quán thọ thị khổ, ba quán tâm vô thường, bốn quán pháp vô ngã.

Quán thân bất tịnh là quán lại thân mình có ba mươi sáu thứ bất tịnh. Quán lại thân mình tức soi sáng lại mình chớ gì!
Rồi quán thọ thị khổ. Thọ là gì? Khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần, những cảm giác lãnh thọ đó là vô thường, khổ, cũng là quán lại mình.
Quán tâm vô thường cũng quán lại mình.
Quán pháp vô ngã ở đây là quán tâm pháp chớ không phải sự vật, tức tâm sở pháp, cũng là quán lại mình. Tất cả phép quán đó đều soi sáng lại mình.

4.1.Ngũ đình tâm quán là quán cái gì? Một là muốn dừng cái tâm đuổi theo sắc dục nên dạy quán thây người chết. Muốn dừng tâm loạn tưởng Phật dạy quán sổ tức, đếm hơi thở. Muốn dừng tâm nóng giận dạy quán từ bi, dừng tâm ngu si quán nhân duyên v.v... Như vậy tất cả cái đó cũng đều soi sáng lại mình chớ không có gì lạ.

4.2.Giáo lý Nguyên thủy căn bản dạy tu thiền cũng là soi sáng lại mình. Cho đến gần đây các vị Thiền sư ở Thái Lan, Tích Lan, Miến Điện hay dạy thiền Minh Sát Tuệ, hít vô là “phình”, thở ra là “xẹp”, cứ như vậy để làm gì? Quán theo hơi thở vô, ra là nhìn ngược lại mình, để đừng cho chạy ra ngoài, lần lần tâm yên định rồi sẽ sáng lên. Như vậy tất cả lối thiền quán đều soi sáng lại mình.
***
***
5.Bây giờ nói giáo lý Đại thừa. Quí vị mỗi đêm tụng Bát-nhã thấy trong đó dạy sao? Trọng tâm tu hành của Bồ-tát Quán Tự Tại qua hết khổ nạn là nhờ “chiếu kiến ngũ uẩn giai không”, tức soi sáng lại thân năm uẩn là không thật. Thấy rõ thân năm uẩn không thật, là qua hết thảy khổ nạn. Vậy cũng bắt mình chiếu rọi lại mình.

Cùng trong hệ thống Bát-nhã như kinh Kim Cang, ngài Tu-bồ-đề hỏi đức Phật hai câu: - Làm sao hàng phục tâm? Làm sao an trụ tâm? Cũng là quay lại soi sáng chính mình. Phật dạy: “Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.” Nghe được câu đó Lục Tổ ngộ liền.

5.1.Vậy “không trụ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp” có phải là chỗ Tổ Huệ Khả nói “con đã bặt hết các duyên” không? Rõ ràng hệ thống Thiền từ thủy chí chung không hai, bên kia bặt hết các duyên là không dính sáu trần, bên này bảo đừng trụ sáu trần. Không trụ sáu trần chính là bặt hết các duyên. Bên kia Tổ Huệ Khả nói “còn cái rõ ràng thường biết”, bên này Lục Tổ nói “đâu ngờ tánh mình xưa nay thanh tịnh, đâu ngờ tánh mình vốn tự tròn đủ v.v...” Bặt hết các duyên thì còn cái rõ ràng thường biết, có khác gì với tánh mình thanh tịnh, tánh mình đầy đủ!

Vậy là hết sức rõ, đầu đuôi, gốc ngọn không hai. Phật dạy trong kinh, Tổ ngộ tâm mình cũng chẳng có gì khác lạ, phải không? Cốt là trở về ngay nơi mình, soi sáng lại chính mình. Như vậy quí vị mới thấy kinh điển Phật dạy là cái hướng dẫn dắt chúng ta thể nhập con người thật chính mình. Thể nhập con người thật chính mình là đạt được chỗ đức Phật đã chứng, tức cái minh thứ ba là Lậu tận minh, hết mầm sanh tử.

5.2.Hết mầm sanh tử không phải là hết mình, phải không? Hết mầm sanh tử thì con người chân thật hiển lộ. Con người chân thật hiển lộ là giải thoát sanh tử. Như vậy giải thoát sanh tử không có nghĩa là tới đó rồi không còn gì, mà chính tới đó con người chân thật mới hiện tiền, mới không bị luân hồi trong lục đạo.

5.3.Đi xa chút nữa tới kinh Pháp Hoa, hôm qua tôi có đề cập đến. Lâu nay quí vị đọc thí dụ cùng tử trong phẩm Tín Giải, quí vị hiểu sao? Cùng tử là kẻ nghèo khổ đi lang thang xin ăn, tha phương cầu thực, hình ảnh đó muốn nói gì? Nghĩa là có cha mẹ mà bỗng nhiên bỏ cha mẹ đi, càng đi càng khổ, nên gọi là cùng tử. Bây giờ nhớ lại, muốn tìm về cha mẹ.

Thời gian lang thang là thời gian nào? Thời gian muốn trở về cha mẹ là thời gian nào? Lang thang là thời gian buông sáu căn chạy theo sáu trần được diễn tả bằng hình ảnh chú cùng tử. Bây giờ biết hối hận trở về tìm cha mẹ là bắt đầu phản quan, giống như quí vị mới tập ngồi thiền một năm nay vậy. Tìm mà gặp chưa? Tuy chưa gặp nhưng đã biết trở về, trở về một bước là gần với quê hương một bước, về hai bước gần được hai bước, phải không? Nếu phóng ra thêm một ngày tức xa một ngày, cứ như vậy đi xa mãi.

Như vậy, chàng cùng tử bỏ cha mẹ đi là hình ảnh diễn tả chúng ta buông sáu căn rong ruổi theo sáu trần. Mỗi một ngày chúng ta rong ruổi theo sáu trần là một ngày quên mất gốc của mình, nên càng đi là càng xa.

Ở đây tất cả chúng ta bỏ gốc, hay bỏ cha mà đi bao lâu rồi? Quí vị nhớ không? Chừng bao lâu rồi? Đi không biết bao lâu, lúc muốn trở về, về gấp có được không? Muốn trở về thì đường xa diệu vợi, cho nên cùng tử lang thang khổ sở vô cùng! Đến khi về được tới nơi, thấy được cha, thấy được ngôi nhà của cha mà có tin không? Cũng chưa tin!

5.4.Thấy được mà chưa tin là vì sao? Vì quen chạy ra rồi, bây giờ thấy cái đó lại không tin là của mình. Nhiều khi chúng ta tu có những phút an tịnh, nhận ra, biết mình, rồi ít bữa cũng quên mất, lo chạy nữa chớ không tin, không trụ được. Đây là do mê lầm nhiều đời nhiều kiếp thành thói quen nên không dám nhận cái thật của mình.

Đó là hình ảnh chàng cùng tử về tới nhà cha rồi, cha nhìn thấy biết là con mình, cho người đuổi theo, kéo lại dẫn vô nhà, nhưng cùng tử vẫn hoảng chạy cho tới té xỉu thôi. Ở đây chúng ta tu cũng vậy, có những phút giây nhận ra mình, nhưng không tin nên rồi bỏ đi nữa.

Cha phải dùng phương tiện cho một người cùng lang thang, ăn mặc dơ dáy bẩn thỉu rủ về làm việc tầm thường bẩn thỉu. Chừng đó mới chịu về. Cũng vậy, khi mình phản quan tu tập, bảo cốt phải giác ngộ, đạt được Bản tâm, nghe xa quá. Còn ngồi thiền ít bữa thấy ánh sáng, thấy hào quang thì mừng, thích quá, ráng ngồi. Giống hệt chàng cùng tử, kêu đi hốt phân liền chịu, còn nói về để ông trưởng giả trao gia tài lại không chịu, không dám nghĩ tới cái đó.

Chúng ta bây giờ cũng vậy, bảo ngồi tu không được thêm gì, chỉ trở về cái chân thật bất sanh bất diệt của mình, nghe sao không hấp dẫn. Còn biểu ráng tu đi, sẽ có niềm vui, có cái này cái nọ thì thích thú chịu tu. Có phải tâm lý chúng ta giống vậy không?

Đây là mấy chàng cùng tử mới trở về, bị dẫn dụ theo sở thích chớ không dám nghĩ đến gia tài sự nghiệp của cha. Nhưng cứ chịu khó về đó đi, rồi từ đứa hốt phân dần dần tới làm thư ký, sau được trao hết gia tài. Đó là phương tiện.

Như vậy, những cái được là phương tiện để đi đến cứu kính. Được trao gia tài tức mình là con ông trưởng giả, ông trưởng giả mất thì mình là trưởng giả. Chúng ta trở về được trao gia tài tức chúng ta là Phật không còn nghi ngờ gì. Đó là hình ảnh hết sức cụ thể.
***
***
6.Nên tôi thấm nhất bài kệ đầu trong “Tứ Sơn” của vua Trần Thái Tông, nhất là hai câu kết:

Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách
Nhật viễn gia hương vạn lý trình.
Con người cứ mải mê đi lang thang. Đi lang thang là khách phong trần, phải không? Đầu cổ bụi bặm dính đầy, vậy mà ưng đi, đi bụi đời! Không chịu trở lại, cứ lang thang làm kẻ bụi đời hoài. Càng lang thang, ngày càng xa nhà của cha mẹ, xa quê hương mình, thành ra “nhật viễn gia hương vạn lý trình”.

Một ngày đi xa một phần, nhiều ngày thành xa muôn dặm. Không biết mình đã đi bao ngày, bao đời, bao kiếp rồi nên xa lơ xa lắc. Bây giờ trở về cay đắng, khó khăn là phải. Đâu phải đi một ngày hai ngày, đi xa từ thuở nào tới giờ. Nhìn lại người thế gian đang rong ruổi làm kẻ bụi đời. Vậy mà ai cũng tự hào nào được danh, được lợi đủ thứ, mà không ngờ được làm bụi đời! Đó là đáng thương.

Bởi vậy, Phật nhìn chúng sanh Phật thương là chỗ đó. Dầu cho người bụi đời được ngồi trên ghế cao hay đang lang thang ngoài đầu đường ngõ chợ, cũng đều là kẻ bụi đời, là người đáng thương, chớ không phải chỉ thương người lang thang đầu đường xó chợ thôi. Nghĩa là cứ bụi đời thì thương, bởi vì họ không có chỗ nương tựa, họ rất khổ đau.

6.1.Tất cả chúng ta được duyên phước biết quay lại, trở về cố hương mình. Mỗi ngày đều bước về năm mười bước, hai ba chục bước thì cũng có ngày về tới quê hương. Người nhanh đi một ngày năm mười cây số, sẽ về mau. Ai chậm mỗi ngày bước năm mười bước mãi rồi cũng trở về được cố hương. Chỉ trừ ai lang thang làm kẻ bụi đời thì không bao giờ biết cố hương ở đâu.

Như vậy chúng ta thấy con đường phiêu lưu làm kẻ bụi đời của chúng ta dài vô kể. Tuy vậy mà không buồn không chán, bởi vì trong kinh nói “hồi đầu thị ngạn”, quay đầu lại là bờ kia chớ không đâu xa. Hình ảnh anh chàng cùng tử hay người khách bụi đời đi xa trở về thấy lâu, còn sáu căn rong ruổi theo sáu trần biết xoay lại thì bao xa? Phóng ra rồi xoay lại cách nhau bao xa? Thật chỉ như trở bàn tay. Trước phóng ra giờ xoay lại, như trở bàn tay, có xa đâu.

Xoay lại là “hồi đầu”. Chúng ta nghe nói “hồi đầu” tưởng là quay đầu lại, thật ra không phải. Sáu căn chạy ra, giờ sáu căn quay trở lại, gọi là hồi đầu. Quay lại tức sẽ trở về cố hương. Như vậy chúng ta tu là trở về với cái không bị dòng sanh tử lôi kéo, tức bặt hết các duyên. Không bị dòng sanh tử lôi kéo nữa thì chúng ta an nhiên trong cảnh Niết-bàn, không nghi ngờ.

6.2.Như vậy Niết-bàn đối với chúng ta xa hay gần? Sở dĩ thành xa là do cứ phóng ra theo sáu trần, bị sáu trần lôi cuốn thu hút, nên chúng ta nhiễm nó. Bây giờ quay lại làm như có sợi dây giật ngược trở ra. Bị sáu trần giật hoài nên khi quay lại rồi sáu trần cũng giật ra.

6.3.Tôi thường nói thời chúng ta tu thật cay đắng. Tại sao vậy? Vì khi con người văn minh tiến bộ, họ tạo đủ hình sắc đẹp để lôi cuốn con mắt. Nếu trước mắt chúng ta toàn người xấu xí, toàn những món đồ không ra gì, mình có ham không? Bây giờ văn minh quá, cái mặt xấu xí sửa cũng thành đẹp, đồ vật nào cũng mẫu mã đẹp, nhìn cái gì cũng lôi cuốn. Lôi cuốn tức con mắt mình bị hút trong đó, bây giờ muốn gỡ ra thật cay đắng. Bao nhiêu hãng xưởng, bao nhiêu cơ sở tạo đủ điều kiện làm đồ tốt đồ đẹp. Ở mỹ viện thì sửa soạn mặt người đẹp. Ở chỗ khác làm cái gì cũng mẫu mã đẹp. Đó là đánh lừa, lôi cuốn con mắt. Con mắt mình thường xuyên bị hút, gỡ ra là vấn đề hết sức cay đắng.

6.4.Lỗ tai cũng vậy, bây giờ đủ thứ âm nhạc. Hồi xưa muốn nghe nhạc phải tới hí viện hoặc tới chỗ này chỗ kia. Giờ ngồi đâu cũng nghe, cũng thấy được. Muốn nghe lúc nào cũng có, hết nhạc này lại đến nhạc nọ, đủ thứ đủ loại. Tai tha hồ nghe những gì nó ưa thích. Muốn nghe lại rất dễ, mở máy là nghe liền. Bởi vậy bây giờ tu lỗ tai hết sức khó, gỡ được âm thanh cũng là cái cay đắng vô cùng.

6.5.Rồi tới lỗ mũi. Lỗ mũi mình gỡ có khó không? Hồi xưa thì hương xông xạ ướp, nhưng chỉ trong cung Vua mới có, còn người thường lam lũ hôi hám đâu có gì. Bây giờ không nước hoa này cũng nước hoa nọ, đủ thứ. Chỉ cái lỗ mũi bị mùi nước hoa lôi, mình cũng khó kéo lại.

6.6.Cái lưỡi nếu ăn uống sơ sài chắc không nhiễm mấy. Bây giờ quí vị thấy tiệm này quảng cáo những thức ăn đặc biệt, tiệm kia quảng cáo thức ăn Tây Tàu... cho nên cái lưỡi cũng khổ, gỡ nó đừng dính là cả vấn đề.

6.7.Đến cái thân, thân này thích gì? Thích nệm êm chăn ấm v.v... những thứ đó thời nay đều tốt. Nệm thật dày, chăn thật đẹp, thật ấm. Cái gì cũng tốt nên rồi khó gỡ.

6.8.Ý thì duyên theo pháp trần. Quí vị thấy hãng nào cũng tạo những sản phẩm chiều ý khách hàng. Khách hàng muốn cái gì liền có những đáp ứng hấp dẫn cho họ mê, nên ý cũng rất khó gỡ.

Chính bây giờ chúng ta đang bị sáu trần cuốn hút, ai gỡ ra được, thoát khỏi nó thật là anh hùng, anh hùng lắm! Ai yếu yếu gỡ không nổi. Thế nên Phật nói đời này mạt pháp là phải, bởi vì nhiều cái cuốn hút quá, gỡ ra không nổi. Nên nhiều khi người tu tuy hình thức xuất gia rốt cuộc cũng bị lôi, không nhiều thì ít. Không có người nào trọn vẹn như Tổ Huệ Khả nói “bặt hết các duyên”, là không còn dính các duyên nữa. Nếu chúng ta muốn bặt hết các duyên phải có sức phi thường, gan dạ, chớ hơi nhát nhát là không được.
***
***
7.Bởi thấy hoàn cảnh khó khăn như vậy nên tôi mới tạo điều kiện đóng cái lồng lớn nhốt mấy con khỉ, khả dĩ đỡ đi đôi chút. Nhốt trong đó lâu lâu cho sổ chuồng ra một chút thôi, chớ ra nhiều quá dính gỡ không nổi. Vì tôi đã thấy được điều đó, lo ngại điều đó nên tôi phải tạo điều kiện. Vậy mà lâu lâu cũng có một hai con khỉ muốn sổ lồng.

Sự tu của chúng ta không phải là khó, nhưng vì thói quen đuổi theo sáu trần đã nhiều kiếp nhiều đời. Bây giờ muốn dừng nó lại, xoay ngược nó trở vô là cả vấn đề khó khăn.

Nên Phật Tổ phải diễn tả nhiều cách, từ hình ảnh anh cùng tử lang thang cho đến người khách phong trần, để mình thấy mình đã điêu đứng bao nhiêu năm, bao nhiêu đời rồi, bây giờ phải ráng xoay trở lại. Khi xoay trở lại, lúc đầu nó không được như ý, tức không thỏa mãn thói phiêu lưu của mình. Phiêu lưu thì tự do, trở về phải có lối, phải đi đúng đường, coi như mất tự do.

7.1.Ở đây ngày phải ngồi ít ra sáu tiếng đồng hồ. Ngồi đó thấy như mất tự do mà tự do. Mất tự do tức không có quyền chạy theo vọng tưởng làm kẻ bụi đời; còn tự do là ngồi lại để rồi định tĩnh, tuy chưa trở về tới nơi nhưng cũng đã dừng lại, không đi nữa. Không đi nữa tức sẽ trở về gần quê hương. Còn nếu mỗi ngày để quí vị đi hoài, chừng nào trở về được? Bắt ngồi lại là phương tiện kềm chế quí vị, nhưng vậy là mất tự do của người bụi đời, phải không? Tuy nhiên, đó là hướng tốt cho người trở về quê hương, ý nghĩa rất rõ ràng.

Vậy chúng ta trở về tức là chúng ta tu, mà tu đó cốt tìm cho ra cội nguồn gốc gác mình đã bỏ quên. Phải về đến tận nơi. Được tới đó rồi chúng ta mới hết khổ. Đó là tôi dẫn kinh, từ kinh Nguyên thủy đến kinh Đại thừa của đức Phật dạy, để quí vị thấy đường lối tu không khác.

7.2.Trở lại người gần chúng ta nhất tức Tổ Trúc Lâm Đại Đầu-đà. Khi Ngài còn làm Thái tử tên Trần Khâm, độ mười sáu mười bảy tuổi, vua Trần Thánh Tông đem Ngài gởi Tuệ Trung Thượng Sĩ hướng dẫn chỉ dạy cho phần đạo đức. Một hôm Ngài hỏi Tuệ Trung Thượng Sĩ rằng: “Bổn phận và tông chỉ của thiền thế nào?” Tuệ Trung Thượng Sĩ liền đọc luôn câu chữ Hán: “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc.” Chỉ một câu thôi, ngay đó Ngài liền được lối vào, cũng như Tổ Huệ Khả, ngay câu “ta đã an tâm cho ngươi rồi” liền được lối vào.

7.3.Như vậy, được lối vào ở đây là gì? “Phản quan tự kỷ” tức là xem xét, soi sáng lại chính mình. Đó là phận sự gốc, là tông chỉ của thiền, không phải từ bên ngoài mà được, không do cái gì từ ngoài đem đến. Ngay đó Ngài thấu suốt đường lối tu thiền. Từ đó, tuy còn là cư sĩ mà lúc nào Ngài cũng biết tu, cho tới khi Ngài làm bài phú “Cư trần lạc đạo”. Bài phú nói lên tư cách người cư sĩ tại gia, tuy ở trong cõi trần mà vẫn vui với đạo. Kết luận Ngài dùng bốn câu kệ chữ Hán mà tôi đã dẫn rất nhiều lần cho quí vị nhớ cái gốc là ở đó. Bốn câu kệ đó thế nào?

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,
Cơ tắc san hề khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích,
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
Tôi cho bốn câu đó là của người đã sống được với thiền.
Cư trần là ở trong cõi trần, lạc đạo là vui với đạo. Ngay trong bụi trần hay trong cảnh trần tục mà chúng ta vẫn vui được với đạo. Làm sao để vui được? “Thả tùy duyên” nghĩa là hãy tùy duyên. Tùy duyên là sao? Đẹp đến thấy là đẹp, xấu đến thấy là xấu, mà không có niệm thương cái đẹp, ghét cái xấu, đó là tùy duyên. Nếu đẹp tới mình khen thích, xấu tới mình ghét chê, là chưa biết tùy duyên.

Như vậy tùy duyên có nghĩa là khi sáu căn tiếp xúc sáu trần, trần như thế nào căn thấy thế ấy, không thêm ý thức thương ghét, khen chê... Bây giờ, nếu chúng ta ngồi giữa chợ, thấy tất cả người, nghe tất cả tiếng mà không có niệm dính mắc, lúc đó chúng ta vui hay buồn? Được vậy thì ngay trong đời mà vui với đạo.

7.4.Sở dĩ chúng ta ngồi giữa chợ tu khó là tại sao? Thấy đẹp liền thích, bị chê buồn ngay, rồi ngồi đó phiền não hoài tu không được. Nên ngồi giữa chợ không tu được là vì không biết tùy duyên.

Tóm lại, ở trong cõi đời vẫn vui được với đạo nhờ biết tùy duyên. Duyên đến thì thấy nghe, duyên đi thì thôi. Cho nên ngài Lâm Tế nói:

Tùy duyên tiêu cựu nghiệp
Nhậm vận trước y xiêm.
Nghĩa là sống tùy duyên không dính mắc, lần lần nghiệp cũ hết. Mặc áo ăn cơm tự nhiên vậy thôi, không có gì thêm. Như vậy, khi mặc áo, ăn cơm, hay gặp cảnh gì đó, mình vẫn thấy, nghe, hiểu, biết mà không dính mắc, đó là tùy duyên. Biết tùy duyên như vậy thì nghiệp cũ từ từ hết. Nghiệp cũ là thói quen cũ: thói chạy theo, thói dính mắc..., lần lần nó hết chớ không gì lạ.

Vừa vào hai câu đầu, Sơ tổ Trúc Lâm đã diễn tả hình ảnh sống trong cuộc đời xấu xa đen tối mà mình vẫn an lạc, vẫn trong sạch, là nhờ biết tùy duyên. Tùy duyên bằng cách nào? Cụ thể là: “Cơ tắc san hề, khốn tắc miên.” Đói ăn, mệt ngủ, đó là tùy duyên. Tùy duyên là nhu cầu cần thì chúng ta giải quyết, hết thì thôi, không dính mắc, trói buộc.

7.5.Biết tùy duyên, sáu căn không mắc sáu trần thì chúng ta sẽ thấy được gì? “Gia trung hữu bảo hưu tầm mích”. Chừng đó mới thấy trong nhà mình có của báu, một hòn ngọc minh châu, khỏi cần tìm đâu hết. Đó có phải là phản quan không? Rõ ràng nhìn lại mình, thấy lại mình có một hòn ngọc quí, khỏi cần tìm kiếm.

Nhưng muốn sống được với hòn ngọc quí đó phải làm sao? “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”. Đối với sáu trần không có tâm dính mắc thì đừng hỏi thiền chi nữa. Đừng hỏi thiền chi nữa tức đó là thiền. Vậy hết sức rõ ràng, hết sức cụ thể.

Tinh thần phản quan Ngài nhận được từ Tuệ Trung Thượng Sĩ qua bốn câu kệ đó, chúng ta thấy hết sức rõ ràng, không còn gì nghi ngờ nữa. Bởi vậy sau khi đi tu, Ngài đem hết những điều đã ứng dụng và thấu suốt được, chỉ dạy cho đồ đệ. Từ đó Ngài trở thành vị Tổ chúng ta hết mực quí kính.

Vậy là cả hệ thống kinh điển của Phật và cả tinh thần đi tu của Phật cũng nằm trọn trong hai chữ phản quan. Ý nghĩa phản quan tự kỷ chính là gốc sự tu, phản quan tự kỷ là tu thiền chớ không gì khác. Vậy hiện giờ chúng ta ứng dụng tu có kết quả hay không là do chúng ta có thật sự biết phản quan hay không. Nếu chúng ta còn đuổi theo sáu trần thì phản quan chưa có kết quả.

7.6.Giả sử, quí vị ngồi lại mà tâm bất an, đó là lúc đang làm gì? Tuy mắt nhìn xuống, tai không lắng nghe, mà ý còn nhớ hôm qua ăn cái bánh này ngon quá, hôm kia chị nọ nói câu đó nặng quá chẳng hạn. Tuy ngồi một chỗ mà ý đang đuổi theo bóng dáng trần cảnh. Vậy là phản quan còn yếu, nhưng dù sao cũng còn thấy được nó. Nó nhớ chuyện hôm qua ăn bánh, liền bỏ; nhớ hôm kia ai nói câu nặng nề, liền bỏ.

Vẫn còn hơn ngồi ở ngoài, vừa nhớ ăn bánh liền thèm bánh, nhớ người ta nói nặng lập tức nổi sân. Ngồi đó, nhớ là bỏ liền thì cũng hay rồi. Hiểu rõ như vậy, việc tu của mình không còn nghi ngờ.

7.7.Bây giờ tới phần kết thúc, tôi nhắc cho quí vị nhớ kỹ. Giả sử có người đặt câu hỏi: “thưa Thầy, con tu tới chừng nào mới xong”, thì tôi trả lời với vị đó sao? Tôi trả lời rất rõ: “Tu chừng nào được Tam minh như Phật là xong, còn chưa được Tam minh thì chưa xong.” Đó là tôi chỉ cho quí vị thấy, được Tam minh mới giải quyết xong mọi vấn đề của con người, còn chưa được Tam minh là giải quyết chưa xong. Vậy chúng ta phải hiểu như thế nào?

Trong khi tu, nếu tâm chúng ta an mà chưa thấy rõ được con người sau khi chết theo nghiệp đi như thế nào, đó là chưa chứng được Thiên nhãn minh. Nếu chúng ta ngồi, tâm an nhưng chưa biết được đời trước mình ở đâu, làm gì, tức chưa được Túc mạng minh. Nếu chưa thấy rõ nguyên nhân nào đưa đến sanh tử, làm sao để dứt sạch sanh tử, là chưa chứng Lậu tận minh.

Chúng ta tin rằng người chết tùy nghiệp luân hồi trong lục đạo. Đó là tin qua lời Phật dạy chớ không phải chúng ta thấy. Tin Phật là chưa thể thành Phật, tin Phật chỉ mới khởi tu thôi. Chừng nào chúng ta thấy được như Phật mới gọi thành Phật. Mục đích chúng ta tu là thành Phật chớ không phải chỉ tin Phật thôi.

Có nhiều người học được chút ít giáo lý, tin có luân hồi, tin tu hành có thể giải thoát. Tin lắm, nên nói cho người này nghe, giảng cho người kia hiểu điều mình hiểu mình tin.

Như vậy đã rồi việc chưa? - Chưa. Mình phải làm sao tự mình thấy được chúng sanh tạo nghiệp gì, chết rồi đi chỗ nào. Thấy một cách rõ ràng không còn chút nghi ngờ. Thấy chớ không phải là tin, không phải là hiểu. Thấy được cái đó là chúng ta chứng được. Không phải ai chứng cho chúng ta mà chính tự tâm mình sáng ra, nên nói là Thiên nhãn minh.

Bây giờ, có nhiều việc tôi thấy cũng buồn, nhưng không biết nói làm sao. Thỉnh ông Phật về rồi làm lễ “khai quang điểm nhãn”, không biết Phật có Thiên nhãn minh hay sao mà phải điểm nhãn cho Phật minh! Mình đã minh chưa mà điểm cho Phật minh?

Thành ra thấy như trò cười. Trọng tâm là mình phải minh, nay chưa minh lại khai cho Phật minh! Nhiều cái lạ đời, mà thế gian quen tánh hình thức rồi, làm vậy họ chịu, chẳng cần hiểu ý nghĩa gì.

Tu Phật là chúng ta phải đạt đến, phải chứng được, chớ không phải chỉ hiểu và tin thôi. Đạt được hay chứng đến, điều đó rất thâm sâu, phải là chuyện thực hành kiên cố bền bỉ, không chỉ ở ngôn ngữ, chính là đem hết tâm huyết thực hành.

Xưa, Tổ Đạt-ma khi sang Trung Hoa, thời đó ở Trung Hoa các ngài nghiên cứu kinh Phật chia ra cả mười tông, tông này tông nọ cãi um sùm, Ngài nói: Tôi chỉ dạy môn này là “giáo ngoại biệt truyền”. Truyền ngoài giáo lý, khỏi cãi, cứ lo tu đi.


7.8.Thấu được chỗ này thì tốt, chớ cãi nhau cao thấp chi vô ích, không tới đâu hết. Hiểu vậy mới thấy trọng tâm của Tổ, mới rõ vì sao Tổ dám nói “giáo ngoại biệt truyền” lạ lùng vậy. Có giáo nào không phải Phật dạy, đã là Phật dạy, mình tu theo Phật, vì sao lại nói ngoài cái đó được?

Sự thật vì người ta căn cứ vào giáo, rồi chia chẻ, phân tích từng câu, từng từ ngữ, đi đến cãi nhau mà không chịu tu. Điều đó không hay. Cho nên Ngài chủ trương “giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”, tức soi sáng lại tâm mình. Chừng nào sáng lên được là thành Phật, chứng được Tam minh là thành Phật, không có gì xa xôi, phải làm được chuyện đó.

Như vậy là trả lời được câu: “tu tới chừng nào xong”. Quí vị thấy rõ chưa? Tôi nói vậy, sau quí vị khỏi hỏi tôi nữa. Khi thấy rõ ràng người này chết theo nghiệp đi tới chỗ nào, người kia chết theo nghiệp đi tới chỗ nào, thấy rõ, nói rõ ràng không nghi ngờ, đó là được Thiên nhãn minh.

Kế đến, biết rõ vô số kiếp về trước mình ở đâu, con ai. Có ai hỏi, mình cũng biết vô số kiếp về trước của họ. Như vậy là được Túc mạng minh. Những cái minh này Phật đã từng dạy trong các kinh Bổn Sanh, Bổn Sự, kể lại đời sống đức Phật và đời sống các vị đệ tử Phật thuở quá khứ từng làm gì. Phật nói rõ ràng trong kinh, không phải là chuyện mơ hồ.

Rất tiếc chúng ta chưa chứng được hai minh này, chỉ nghe Phật nói và tin thôi, chớ mình chưa thấy. Chưa thấy là chưa giải quyết xong việc của mình. Phải thấy và chứng được mới xong.

7.9.Thấy được chứng được rồi sao nữa? Phải giải quyết được làm sao đừng bị nghiệp tức hạt giống sanh tử lôi mình tiếp tục luân hồi sanh tử nữa, tức là chứng được Lậu tận minh. Chừng đó mới tuyên bố hoàn toàn giác ngộ, hoàn toàn giải thoát.

Vậy giác ngộ giải thoát là việc của mình, không phải của ai khác. Quí vị thấy chúng ta tu khỏi cần nghi ngờ gì hết. Ráng tu mãi cho được mấy cái minh đó. Nếu được hai cái trước mà chưa được cái sau cũng chưa rồi việc, chừng nào được cái sau mới xong. Tu tới chừng nào xong thôi chớ không nói bao lâu, không nói mấy năm, mấy đời, hay mấy kiếp.

Chúng ta biết rõ, nắm vững đường đi, nên ai rủ điều gì mình cũng không thèm theo. Chỉ lo giải quyết xong việc này, việc này là đường mình đi. Ai nói hay mấy mà không đúng đường mình là không theo, không bị gạt. Lâu nay có người bị gạt chạy theo ngoại đạo là vì không biết đường đi. Bây giờ biết rõ đường Phật đi, đường Tổ đi, mình cứ theo đó đi cho tới đích là được, còn nghi ngờ gì nữa!

Chúng ta tu là lo cho cái gì, giải quyết cái gì? Vì cái gì chúng ta tu? Giải quyết cái gì mà chúng ta tu? Chúng ta là con người, nên muốn biết rõ con người mình đầu đuôi gốc ngọn ra sao. Đầu là quá khứ, đuôi là vị lai, muốn biết nó rành rẽ ra sao thì hiện tại này mình phải rành. Nếu chúng ta không bằng lòng để bị dẫn đi trong vòng ấy nữa, mình cũng biết rõ ràng phải làm sao.

Vậy vấn đề đó là nhỏ hay lớn? Ở thế gian có mấy người đặt vấn đề đó? Hay là lớn lên chỉ lo làm sao cho có danh, có lợi, làm sao có nhà lầu, xe hơi... Những cái đó được rồi, ít chục năm cũng hoại. Còn cái này nếu giải quyết được, chẳng những biết rõ con đường chúng sanh đi, biết rõ nghiệp gì dẫn đi đâu, mà chúng ta còn có một lối thoát, không bị nó lôi cuốn. Từ đó đem chỉ dạy cho người ta tỉnh, người ta giác. Có phải đây là việc tối quan trọng, tối cần thiết cho con người hay không?

Như vậy, tu không phải chuyện tầm thường. Phải giải quyết được vấn đề tối trọng yếu của kiếp con người. Giải quyết được cái đó mới gọi là tu.

7.10.Không phải tu là biết ăn chay, tụng kinh, niệm Phật, đời sau có phước rồi tu nữa. Chúng ta phải giải quyết tận gốc rễ của con người, làm sao đưa con người qua khỏi khổ đau sanh tử. Đó là gốc của sự tu. Giá trị người tu ở chỗ đó chớ không phải ở những nơi khác. Đây là điều tôi thấy hết sức quan trọng. Nếu người tu không đặt được nghi vấn thao thức đó thì không thể tiến tới chỗ viên mãn được.

Hôm nay nhân ngày đầu năm, bài pháp này chỉ rõ cho quí vị thấy đường lối tu hành từ khởi thủy cho đến chung cuộc như thế nào. Quí vị biết rõ rồi thì tròn một năm nỗ lực gắng tu, dù mình chưa tới kết quả đó nhưng cũng được gần phần nào. Vậy mới xứng đáng, mới đúng là con dòng họ Thích. Đó là điều chủ yếu tôi muốn nói, muốn dạy quí vị hôm nay.

Lễ phổ trà giáp tuất

Trích dẫn: Le Pho Tra Giap Tuat

- Thưa Sư ông, thư ký đọc.
- Ờ! ngoài thư ký ra ai thuộc giơ tay lên đọc tôi nghe coi. Ngồi tại chỗ khỏi đứng dậy.

- Bạch Sư ông, phản quan tự kỷ, trực chỉ nhân tâm.

- Không phải, đó là câu châm ngôn. Đọc hai câu liễn. Vậy thì chưa thuộc. Ai thuộc đưa tay coi?
- Bạch Sư ông, hai câu liễn ở cổng số ba là:

Trúc Lâm thập tải dĩ tương Thập Thiện hoá nhân gian.
Thiếu Thất cửu niên đãi ngộ Thần Quang truyền tâm ấn.

- Chữ Việt?
- Bạch Sư ông,

Trúc Lâm mười kỷ, đã đem Thập Thiện hoá nhân gian.
Thiếu Thất chín năm, đợi gặp Thần Quang truyền tâm ấn.

- Nhưng chú đọc ngược rồi! Đọc từ bên kia qua, đọc lại!
- Bạch Sư ông,

Thiếu Thất chín năm, đợi gặp Thần Quang truyền tâm ấn.
Trúc Lâm mười kỷ, đã đem Thập Thiện hoá nhân gian.

- Rồi, hai câu cổng dưới?
- Bạch Sư ông,

Thế Tôn vi đông cung xả ngọc điện đáo Bồ-đề thành Chánh giác.
Giác Hoàng xử vương vị ly kim tòa đăng Yên Tử giáo Tăng đồ.

Nghĩa là:
Đức Phật làm đông cung bỏ điện ngọc đến Bồ-đề thành Chánh giác.
Giác Hoàng ở ngôi báu lìa ngai vàng lên Yên Tử dạy chúng Tăng.

****************************
Nội dung bài giảng của Hòa Thượng:

Sự Kham nhẫn:
Qua câu chuyện của Ngài Thần Quang (Huệ Khả) , quí vị thấy dù cho là huyền sử hay dã sử, cũng đều nói lên tinh thần người học đạo. Muốn học đạo thì phải xem thường cái thân, dù phải hi sinh, phải chặt tay cũng sẵn sàng, miễn được đạo mới thôi. Đó là tinh thần khuyến khích tất cả Tăng Ni cũng như Phật tử, khi nghĩ tới cầu đạo giải thoát thì phải coi nhẹ cái thân. Nếu trọng thân quá thì không làm gì giải thoát được. Đây là hình ảnh đầu tiên để tất cả Tăng Ni ý thức trên đường tu phải xem nhẹ thân, đặt nặng đạo lý. Ai đặt nặng thân thì sẽ nhẹ đạo lý, người đó không bao giờ đạt đạo.

Thứ hai là hình ảnh Lục Tổ, từ một tiều phu đốn củi gánh xuống chợ bán đổi gạo về nuôi mẹ, nghe tụng kinh Kim Cang, Ngài liền thức tỉnh phát nguyện đi tu. Nhờ có những người bạn đạo thông cảm giúp cho Ngài một số tiền để lại cung dưỡng mẹ già. Ngài tìm tới Ngũ tổ Hoằng Nhẫn ở Huỳnh Mai xin tu.

Nhưng vì hình thức cư sĩ quê dốt nên Tổ bảo xuống nhà bếp làm công quả. Ông Tri khố bảo Ngài giã gạo chày đạp cối đá. Ngài là dân tiều phu đốn củi đâu có mập được. Ngài ốm nên nhẹ ký, còn cái chày thì nặng, nên Ngài đạp không cất lên nổi.

Một mình không đủ sức nặng cất cái chày thì đeo thêm cục đá. Cột cục đá trên lưng nặng năm, mười ký, lâu ngày như vậy cái lưng bị thắt, làm cho da thịt lở lói. Nhưng Ngài vẫn để vậy đạp chày giã gạo.

Một hôm Ngũ Tổ xuống bếp, nhìn thấy vậy Ngài xót xa nói: “người cầu đạo vì pháp quên mình đến thế ư”, nghĩa là thấy người học đạo có chí tha thiết quên mình đáng quí. Tổ lấy gậy gõ vào cối ba tiếng rồi đi, ngài Huệ Năng hiểu ý, khuya canh ba lên gặp Tổ...

Kế đến...:
Hình ảnh Tổ Trúc Lâm rời bỏ địa vị ngai vàng, xả danh xả vị để cầu đạo...

Vậy chúng ta mới thấy những vị Tổ chúng ta kính lễ hằng ngày đều là những người quên mình vì đạo, chớ không có ai quí trọng thân này mà được đạo hết.

Giảng về các đôi liễn ở trước chùa:

Thiếu Thất cửu niên đãi ngộ Thần Quang truyền tâm ấn.
Trúc Lâm thập tải dĩ tương Thập Thiện hoá nhân gian.

Đọc đôi liễn này quí vị thấy tâm hồn tôi thế nào? Đây là tôi đối chiếu, bên kia là Tổ Đạt-ma, bên này là Tổ Trúc Lâm. Tổ Đạt-ma ngồi ở chùa Thiếu Lâm (hay là Thiếu Thất) chín năm đợi ai? Đợi gặp ngài Thần Quang để truyền tâm ấn. Như vậy Tổ từ Ấn Độ qua Trung Quốc chỉ truyền tâm ấn cho một người là hết duyên.

Còn bên này ngài Điều Ngự Giác Hoàng, tức là Tổ Trúc Lâm, ở trên núi mười năm để làm gì? - “Dĩ tương thập thiện hoá nhân gian”, nghĩa là Ngài đem giáo pháp Thập thiện giáo hoá khắp cả nhân gian. Như vậy thời của Tổ Đạt-ma sang Trung Hoa truyền đạo chỉ một thầy truyền cho một trò. Nhưng ở Việt Nam, Thiền tông du nhập vào đến lúc hệ Trúc Lâm ra đời thì không còn hạn chế một thầy một trò nữa, mà phải đem truyền bá khắp nhân gian, mở rộng trùm khắp.

Tới đôi liễn thứ hai, tôi so sánh đức Phật với ngài Giác Hoàng:

Thế Tôn vi đông cung xả ngọc điện đáo Bồ-đề thành Chánh giác.
Giác Hoàng xử vương vị ly kim toà đăng Yên Tử giáo Tăng đồ.

Ở đây có tánh cách hơi tự ái dân tộc một chút. Tự ái ở đây không phải tự ái cuồng điên dại khờ, mà là để đem cái hay của chư Tổ Việt Nam ra so sánh đối chiếu, từ đức Phật cho đến các vị Tổ khác.

Nhìn về đức Phật, Ngài đang làm Đông cung Thái tử nhưng xả bỏ điện ngọc đi xuất gia, và sau Ngài thành Phật, tức là thành Chánh giác. Ở Việt Nam mình, một ông Tổ là Điều Ngự Giác Hoàng, đang ở ngôi vua mà lìa toà vàng, đến núi Yên Tử để giáo hoá Tăng đồ.
Vậy, bên kia Phật là đông cung, bên này Tổ Việt Nam chúng ta là một ông vua, thì mình đâu có xấu hổ gì phải không? Một ông vua đi tu được ngộ đạo rồi lên núi để giáo hoá Tăng đồ, bên kia vị đông cung đi tu được thành Phật. Như vậy, vị Giáo chủ là đông cung, vị Tổ Việt Nam là ông vua, đó cũng là một điều kỳ đặc của quê hương xứ sở mình mà ít ai để ý tới.

Qua mấy đôi liễn đó quí vị thấy tôi thế nào? Tôi lúc nào cũng nghĩ đức Phật là cái gốc để chúng ta qui hướng về. Nhưng Phật niết-bàn hơn hai ngàn năm rồi, làm sao chúng ta biết đức Phật?

Vậy là nhờ sự truyền thừa của chư Tổ, nên ngày nay chúng ta mới biết được Phật. Nhưng lâu nay chúng ta có cái bệnh là học Tổ Trung Hoa, Tổ Ấn Độ, Tổ Nhật Bản mà Tổ Việt Nam thì ngó lơ không để ý gì tới.

Rồi nhiều khi mình có cái mặc cảm ở Trung Hoa, Nhật Bản các Tổ rất hay, còn ở Việt Nam không có gì hay hết.

Nếu ở Việt Nam không có gì hay thì tại sao Phật giáo Việt Nam lưu truyền tới bây giờ vẫn còn và người theo Phật giáo rất đông. Nói không có gì hay hết nghĩa là sao?

Như vậy là mình đã quên hết công ơn của người xưa, quên hết khả năng và đạo đức của người trước.

Bởi vậy nên tôi phải làm sống dậy những gì kỳ đặc của Tổ Việt Nam.

Nước Việt Nam chúng ta có tới tám mươi phần trăm dân số là Phật tử. Như vậy sự truyền bá của các Tổ quá sâu rộng mà mình không biết gì hết, mình chỉ biết ở Trung Hoa, ở Nhật Bản, Ấn Độ, thì đó có phải là nhược điểm lớn lao của mình không?

Nếu xưa kia chư Tổ không truyền ở Việt Nam thì làm sao chúng ta ngày nay có duyên mà đi tu, có chùa mà tập tu, có được giáo lý mà hiểu.

Dĩ nhiên là phải có chư Tổ truyền thừa đặc biệt. Vậy mà chúng ta lại quên hệ thống truyền thừa đó.
Thật là khuyết điểm lớn, phải không? (Xem tiếp... http://www.thuong-chieu.org/uni/Kinh...g1/Html/02.htm )