Trích dẫn: Le Pho Tra Giap Tuat

- Thưa Sư ông, thư ký đọc.
- Ờ! ngoài thư ký ra ai thuộc giơ tay lên đọc tôi nghe coi. Ngồi tại chỗ khỏi đứng dậy.

- Bạch Sư ông, phản quan tự kỷ, trực chỉ nhân tâm.

- Không phải, đó là câu châm ngôn. Đọc hai câu liễn. Vậy thì chưa thuộc. Ai thuộc đưa tay coi?
- Bạch Sư ông, hai câu liễn ở cổng số ba là:

Trúc Lâm thập tải dĩ tương Thập Thiện hoá nhân gian.
Thiếu Thất cửu niên đãi ngộ Thần Quang truyền tâm ấn.

- Chữ Việt?
- Bạch Sư ông,

Trúc Lâm mười kỷ, đã đem Thập Thiện hoá nhân gian.
Thiếu Thất chín năm, đợi gặp Thần Quang truyền tâm ấn.

- Nhưng chú đọc ngược rồi! Đọc từ bên kia qua, đọc lại!
- Bạch Sư ông,

Thiếu Thất chín năm, đợi gặp Thần Quang truyền tâm ấn.
Trúc Lâm mười kỷ, đã đem Thập Thiện hoá nhân gian.

- Rồi, hai câu cổng dưới?
- Bạch Sư ông,

Thế Tôn vi đông cung xả ngọc điện đáo Bồ-đề thành Chánh giác.
Giác Hoàng xử vương vị ly kim tòa đăng Yên Tử giáo Tăng đồ.

Nghĩa là:
Đức Phật làm đông cung bỏ điện ngọc đến Bồ-đề thành Chánh giác.
Giác Hoàng ở ngôi báu lìa ngai vàng lên Yên Tử dạy chúng Tăng.

****************************
Nội dung bài giảng của Hòa Thượng:

Sự Kham nhẫn:
Qua câu chuyện của Ngài Thần Quang (Huệ Khả) , quí vị thấy dù cho là huyền sử hay dã sử, cũng đều nói lên tinh thần người học đạo. Muốn học đạo thì phải xem thường cái thân, dù phải hi sinh, phải chặt tay cũng sẵn sàng, miễn được đạo mới thôi. Đó là tinh thần khuyến khích tất cả Tăng Ni cũng như Phật tử, khi nghĩ tới cầu đạo giải thoát thì phải coi nhẹ cái thân. Nếu trọng thân quá thì không làm gì giải thoát được. Đây là hình ảnh đầu tiên để tất cả Tăng Ni ý thức trên đường tu phải xem nhẹ thân, đặt nặng đạo lý. Ai đặt nặng thân thì sẽ nhẹ đạo lý, người đó không bao giờ đạt đạo.

Thứ hai là hình ảnh Lục Tổ, từ một tiều phu đốn củi gánh xuống chợ bán đổi gạo về nuôi mẹ, nghe tụng kinh Kim Cang, Ngài liền thức tỉnh phát nguyện đi tu. Nhờ có những người bạn đạo thông cảm giúp cho Ngài một số tiền để lại cung dưỡng mẹ già. Ngài tìm tới Ngũ tổ Hoằng Nhẫn ở Huỳnh Mai xin tu.

Nhưng vì hình thức cư sĩ quê dốt nên Tổ bảo xuống nhà bếp làm công quả. Ông Tri khố bảo Ngài giã gạo chày đạp cối đá. Ngài là dân tiều phu đốn củi đâu có mập được. Ngài ốm nên nhẹ ký, còn cái chày thì nặng, nên Ngài đạp không cất lên nổi.

Một mình không đủ sức nặng cất cái chày thì đeo thêm cục đá. Cột cục đá trên lưng nặng năm, mười ký, lâu ngày như vậy cái lưng bị thắt, làm cho da thịt lở lói. Nhưng Ngài vẫn để vậy đạp chày giã gạo.

Một hôm Ngũ Tổ xuống bếp, nhìn thấy vậy Ngài xót xa nói: “người cầu đạo vì pháp quên mình đến thế ư”, nghĩa là thấy người học đạo có chí tha thiết quên mình đáng quí. Tổ lấy gậy gõ vào cối ba tiếng rồi đi, ngài Huệ Năng hiểu ý, khuya canh ba lên gặp Tổ...

Kế đến...:
Hình ảnh Tổ Trúc Lâm rời bỏ địa vị ngai vàng, xả danh xả vị để cầu đạo...

Vậy chúng ta mới thấy những vị Tổ chúng ta kính lễ hằng ngày đều là những người quên mình vì đạo, chớ không có ai quí trọng thân này mà được đạo hết.

Giảng về các đôi liễn ở trước chùa:

Thiếu Thất cửu niên đãi ngộ Thần Quang truyền tâm ấn.
Trúc Lâm thập tải dĩ tương Thập Thiện hoá nhân gian.

Đọc đôi liễn này quí vị thấy tâm hồn tôi thế nào? Đây là tôi đối chiếu, bên kia là Tổ Đạt-ma, bên này là Tổ Trúc Lâm. Tổ Đạt-ma ngồi ở chùa Thiếu Lâm (hay là Thiếu Thất) chín năm đợi ai? Đợi gặp ngài Thần Quang để truyền tâm ấn. Như vậy Tổ từ Ấn Độ qua Trung Quốc chỉ truyền tâm ấn cho một người là hết duyên.

Còn bên này ngài Điều Ngự Giác Hoàng, tức là Tổ Trúc Lâm, ở trên núi mười năm để làm gì? - “Dĩ tương thập thiện hoá nhân gian”, nghĩa là Ngài đem giáo pháp Thập thiện giáo hoá khắp cả nhân gian. Như vậy thời của Tổ Đạt-ma sang Trung Hoa truyền đạo chỉ một thầy truyền cho một trò. Nhưng ở Việt Nam, Thiền tông du nhập vào đến lúc hệ Trúc Lâm ra đời thì không còn hạn chế một thầy một trò nữa, mà phải đem truyền bá khắp nhân gian, mở rộng trùm khắp.

Tới đôi liễn thứ hai, tôi so sánh đức Phật với ngài Giác Hoàng:

Thế Tôn vi đông cung xả ngọc điện đáo Bồ-đề thành Chánh giác.
Giác Hoàng xử vương vị ly kim toà đăng Yên Tử giáo Tăng đồ.

Ở đây có tánh cách hơi tự ái dân tộc một chút. Tự ái ở đây không phải tự ái cuồng điên dại khờ, mà là để đem cái hay của chư Tổ Việt Nam ra so sánh đối chiếu, từ đức Phật cho đến các vị Tổ khác.

Nhìn về đức Phật, Ngài đang làm Đông cung Thái tử nhưng xả bỏ điện ngọc đi xuất gia, và sau Ngài thành Phật, tức là thành Chánh giác. Ở Việt Nam mình, một ông Tổ là Điều Ngự Giác Hoàng, đang ở ngôi vua mà lìa toà vàng, đến núi Yên Tử để giáo hoá Tăng đồ.
Vậy, bên kia Phật là đông cung, bên này Tổ Việt Nam chúng ta là một ông vua, thì mình đâu có xấu hổ gì phải không? Một ông vua đi tu được ngộ đạo rồi lên núi để giáo hoá Tăng đồ, bên kia vị đông cung đi tu được thành Phật. Như vậy, vị Giáo chủ là đông cung, vị Tổ Việt Nam là ông vua, đó cũng là một điều kỳ đặc của quê hương xứ sở mình mà ít ai để ý tới.

Qua mấy đôi liễn đó quí vị thấy tôi thế nào? Tôi lúc nào cũng nghĩ đức Phật là cái gốc để chúng ta qui hướng về. Nhưng Phật niết-bàn hơn hai ngàn năm rồi, làm sao chúng ta biết đức Phật?

Vậy là nhờ sự truyền thừa của chư Tổ, nên ngày nay chúng ta mới biết được Phật. Nhưng lâu nay chúng ta có cái bệnh là học Tổ Trung Hoa, Tổ Ấn Độ, Tổ Nhật Bản mà Tổ Việt Nam thì ngó lơ không để ý gì tới.

Rồi nhiều khi mình có cái mặc cảm ở Trung Hoa, Nhật Bản các Tổ rất hay, còn ở Việt Nam không có gì hay hết.

Nếu ở Việt Nam không có gì hay thì tại sao Phật giáo Việt Nam lưu truyền tới bây giờ vẫn còn và người theo Phật giáo rất đông. Nói không có gì hay hết nghĩa là sao?

Như vậy là mình đã quên hết công ơn của người xưa, quên hết khả năng và đạo đức của người trước.

Bởi vậy nên tôi phải làm sống dậy những gì kỳ đặc của Tổ Việt Nam.

Nước Việt Nam chúng ta có tới tám mươi phần trăm dân số là Phật tử. Như vậy sự truyền bá của các Tổ quá sâu rộng mà mình không biết gì hết, mình chỉ biết ở Trung Hoa, ở Nhật Bản, Ấn Độ, thì đó có phải là nhược điểm lớn lao của mình không?

Nếu xưa kia chư Tổ không truyền ở Việt Nam thì làm sao chúng ta ngày nay có duyên mà đi tu, có chùa mà tập tu, có được giáo lý mà hiểu.

Dĩ nhiên là phải có chư Tổ truyền thừa đặc biệt. Vậy mà chúng ta lại quên hệ thống truyền thừa đó.
Thật là khuyết điểm lớn, phải không? (Xem tiếp... http://www.thuong-chieu.org/uni/Kinh...g1/Html/02.htm )